Điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm không gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Việc gây tiếng ồn vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường (theo khoản 4 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường) và phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép đối với tiếng ồn được quy định như sau:
- Tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) là: 55 dBA (từ 6h đến 21h) và 45 dBA (21h đến 6h).
- Tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70 dBA (từ 6h đến 21h) và 55 dBA (21h đến 6h).
Để có thể xác định tiếng loa của hàng xóm có vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường hay không, bạn nên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giám định, kiểm định. Từ kết quả đo đạc sẽ xác định được mức vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để xử lý theo đúng khung phạt tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định tiếng ồn.
Bên cạnh biện pháp xử phạt chính, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn nhất định.
- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành.
Ngoài ra, nếu hàng xóm của bạn mở loa gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự).
Trên thực tế, việc xử lý vi phạm do gây ô nhiễm tiếng ồn dường như còn rất khó thực thi. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình mình, bạn nên làm đơn phản ánh, yêu cầu xem xét, xử lý gửi tới UBND phường nơi mình sinh sống để yêu cầu giải quyết. Việc yêu cầu cũng có thể làm đơn tập thể nếu những hộ dân xung quanh có chung ý kiến như gia đình bạn.
Để có cơ sở xem xét, giải quyết, đơn cần trình bày rõ về sự việc, về thông tin người gây tiếng ồn, về những hệ lụy mà bạn và gia đình phải chịu do hành vi gây ồn ào của hàng xóm. Đồng thời, kèm theo đơn, bạn có thể tự đo tiếng ồn bằng các ứng dụng điện thoại, thiết bị đo âm thanh... để chứng minh có sự việc hàng xóm mở loa gây ồn ào.
Đây sẽ là chứng cứ quan trọng khi bạn phản ánh đến UBND phường, xã. Trên cơ sở đó, UBND sẽ cử người có thẩm quyền đến kiểm tra, đo đạc và xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty luật TNHH MTV Ta Pha