Chị Hoa, tiểu thương ở chợ Tân Định (quận 1) cho biết, măng cụt Việt Nam có giá rẻ hơn hàng Thái 10.000 đồng. Tuy nhiên, khách của chị chuộng hàng ngon, "bao ăn" nên chủ yếu nhập măng cụt của Thái về bán giá 65.000 đồng một kg.
"Mỗi ngày tôi bán được 50-60 kg măng cụt Thái. Còn loại măng cụt Việt Nam dù giá chỉ 55.000 đồng một kg nhưng hay bị cứng và hỏng nên tiêu thụ rất chậm", chị nói.
Cũng chọn bán măng cụt Thái bằng xe đẩy trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), chị Linh cho biết mỗi sáng lấy khoảng 60 kg. Mỗi kg giá 70.000 đồng nhưng đều bán hết trong buổi sáng. Chị cho khách chọn thoải mái vì hàng Thái 10 quả như nhau. Đặc biệt, quả loại này có vỏ mỏng hơn so với hàng Việt.
Chủ vựa trái cây trên đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp) cũng cho biết, mỗi ngày nhập khoảng 3 tạ măng cụt Thái và 2 tạ măng cụt Việt nhưng hàng Thái bán hết sớm hơn. Hiện măng cụt Thái được cửa hàng chị bán sỉ giá 45.000 đồng một kg (hàng bao ăn), còn hàng Việt giá 35.000 đồng.
Lãnh đạo Chợ đầu mối Thủ Đức thông tin, măng cụt Thái Lan về chợ số lượng cao gấp 10 lần hàng Việt. Tổng lượng măng cụt Thái về chợ từ ngày 15/3 đến nay ước đạt 700 tấn. Hơn tuần nay, mỗi ngày chợ tiếp nhận khoảng 40 tấn với giá sỉ 45.000-53.000 đồng một kg. Trong khi đó, măng cụt Việt Nam chỉ mới vào vụ từ cuối tháng 4 với sản lượng 3-4 tấn một ngày, giá bán sỉ từ 45.000-50.000 đồng một kg
Lãnh đạo chợ đầu mối cho biết thêm, loại trái cây này rất dễ phân biệt. Nếu là măng cụt Thái thì trái màu tím đậm, đều, da không có cám và được đóng thùng giấy hoặc rổ nhựa có nhãn mác thể hiện xuất xứ. Còn hàng trong nước kích cỡ nhỏ, trái không đồng đều, màu tươi hơn hàng Thái.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng cây măng cụt tại miền Nam khoảng 7.230 ha, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương (mỗi tỉnh có hơn 1.000 ha).
Hồng Châu