Ngày 29/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ, Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tổ chức trao giấy chứng nhận mô hình sản xuất mãng cầu ta (na) theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân Huỳnh Văn Chiêu, chủ vườn mãng cầu tại ấp Tân Hợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh.
Sau khi sản phẩm trái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh được Cục sở hữu trí tuệ Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa địa lý (Giấy chứng nhận thương hiệu mãng cầu Bà Đen) vào tháng 8/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chủ trương cho xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiến tới xuất khẩu loại trái cây này.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP” do Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh chủ trì, cùng đơn vị tư vấn là Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ được thực hiện trên diện tích 5ha mãng cầu tại vườn ông Huỳnh Văn Chiêu.
Sau nhiều vụ sản xuất theo hướng dẫn các quy trình kỹ thuật canh tác theo quy định và chịu sự kiểm soát gắt gao của ngành chuyên môn về chất lượng, không có dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, sản phẩm đã được đánh giá và chứng nhận tuân thủ theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Quyền Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ thực vật Tây Ninh, từ mô hình này sẽ được nhân rộng, để ngày càng có nhiều diện tích trồng mãng cầu của Tây Ninh có sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu dùng và xuất khẩu.
Tây Ninh là tỉnh có vườn mãng cầu lớn nhất cả nước với diện tích hiện nay đạt khoảng 5.100ha tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và các vùng phụ cận, hàng năm cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 35.000 đến 40.000 tấn sản phẩm.
Theo VietnamPlus