Khi mua một thiết bị gia dụng mới, sau khi mở hộp bao bên ngoài, người dùng thường thấy bề mặt sản phẩm thường được bọc bởi một lớp màng nhựa (hay phim nhựa) bên ngoài. Chúng không màu hoặc có màu sắc, tiết diện lớn hoặc chỉ đủ để che đi một phần của bảng điều khiển trên sản phẩm. Không ít người dùng đã phân vân sẽ phải xử lý như thế nào, nên xé ra ngay hay để lại, hoặc đợi tới khi chính thức sử dụng sẽ loại bỏ.
Về nguyên tắc, lớp vật liệu mỏng manh nhưng dai chắc này thường được gắn lên các bề mặt phẳng hoặc màn hình, có tác dụng bảo vệ tránh va chạm, trầy xước trong quá trình vận chuyển hoặc giúp tránh bụi bẩn, hơi nước. Vì tác dụng bảo vệ hiệu quả, một số người dùng thậm chí giữ những tấm màng nhựa này trên thiết bị trong thời gian dài.
Trên thực tế, với một số thiết bị có khả năng tỏa nhiệt nhiều khi hoạt động như lò vi sóng, TV... các màng bọc này sau quá trình sử dụng lâu, nếu không bị rách cũng sẽ dần lão hóa do nhiệt độ. Việc này không chỉ làm xấu ở vấn đề thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới khả năng làm mát của thiết bị. Nếu màng bọc được dán ở trên các màn hình hiển thị, nó có thể tạo bóng, làm mờ hoặc gây nhầm lẫn khi người dùng không đọc chính xác được các thông số.
Với tủ lạnh, điều hòa, nhiều người rất ngại việc xé bỏ các lớp màng bọc này bởi đôi khi chúng được dán chặt và trông khá "đẹp mắt". Tuy nhiên, lớp màng này sẽ nhanh chóng bị lão hóa bởi ảnh hưởng của nhiệt độ nóng lạnh, hạn chế tỏa nhiệt gây lãng phí điện năng, đồng thời rút ngắn tuổi thọ của thiết bị. Các màng nhựa sau một thời gian sử dụng, bị lão hóa đi cũng rất khó để loại bỏ.
Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng rất dễ dàng tự bong ra hoặc bị rách khi tiếp xúc với nước, như với các thiết bị như máy sấy, máy giặt...
Theo anh Nguyễn Sĩ Chí, chuyên gia về đồ điện tử gia dụng, người dùng nên loại bỏ ngay các loại màng bảo vệ này ngay khi mua về sử dụng.
"Cái màng đó chỉ tác dụng trong quá trình vận chuyển, lắp ráp. Khi sản phẩm đã mua về, người dùng nên bỏ ra bởi nó không có tác dụng chống đỡ hay bảo vệ gì cả. Sau thời gian một hai năm chúng bị lão hóa, bẩn và khó xử lý hơn rất nhiều", anh nói.
Theo chuyên gia này, chỉ có một cách bảo vệ đồ gia dụng tốt nhất là nên vệ sinh thường xuyên. Bụi bặm trên thực tế cũng thường bám vào các khe kẽ, linh kiện điện tử hay khớp nối Còn trên bề mặt phẳng, nơi dán các tấm màng này, việc vệ sinh thực tế rất dễ dàng. Bên cạnh đó, các loại quảng cáo được dán kèm theo để nói về thời gian bảo hành, công nghệ hiện đại... cũng nên bóc đi.
"Một mẹo nhỏ có thể sử dụng là dùng máy sấy tóc, sấy cho mềm và nóng tấm dán thì khi bóc lớp keo bên dưới sẽ ra theo cùng", anh nói thêm.