Cứu tinh và người hùng
Roberto Mancini đến sân Etihad trung tuần tháng 12/2009 để chữa cháy giữa lúc cuộc cách mạng Ả-rập đang lâm vào ngõ cụt vì hàng loạt kết quả tệ hại của đội bóng dưới trướng Mark Hughes, vị tiền nhiệm bị sa thải. Khi đó, bất chấp khoản đầu tư lớn xấp xỉ 200 triệu bảng, Man City của Hughes chỉ thắng được hai trong 11 trận Ngoại hạng Anh gần nhất và đứng ở vị trí thứ sáu. Mancini xuất hiện và nhanh chóng làm thay đổi tình hình với bốn chiến thắng liên tiếp.
Cuối mùa đó, dù chưa thể lọt vào top 4, công sức của Mancini vẫn được đánh giá cao khi Man City cán đích ở vị trí thứ năm - vị trí cao nhất trong lịch sử của họ ở Ngoại hạng Anh. Từ tiền đề ấy, mùa 2010-2011, Mancini tiếp tục được các ông chủ Ả-rập tin tưởng, đầu tư mạnh và đền đáp lại niềm tin đó bằng cách giúp Man City lần đầu chen chân vào top 4 từ giữa tháng chín, rồi trụ lại đó cho đến hết mùa giải. Khi cán đích, thầy trò Mancini còn làm được hơn thế với việc đứng thứ ba, giành vé vào thẳng vòng bảng Champions League và đoạt Cup FA, kết thúc 35 năm liền không danh hiệu của CLB.
Thành công nối tiếp thành công, mùa 2011-2012 chứng kiến một Man City phát tiết rực rỡ nhất dưới triều đại Mancini. Họ bất bại, thắng 12 trong 14 trận đầu mùa, trong đó có trận thắng vang dội 6-1 trên sân Old Trafford của đại kình địch MU. Đến đầu tháng 12, Man City vẫn bất bại, bỏ xa nhì bảng MU tới năm điểm. Dù có chệch choạc đầu năm mới, Man City, với màn bứt phá ngoạn mục ở giai đoạn cuối, vẫn đủ sức đăng quang vô địch Ngoại hạng Anh nhờ hơn MU ở hiệu số bàn thắng hại.
Mancini khi đó được suy tôn như một vị thánh sống ở sân Etihad, nơi người hâm mộ hát vang tên ông, các cầu thủ thì ngưỡng mộ ra mặt. Ban lãnh đạo Man City rất nhanh chân thưởng nóng cho HLV người Italy bằng một bản hợp đồng mới có hiệu lực năm năm, đến 2017.
Vết rạn trên chiếc bình pha lê
Ngay từ trước mùa giải 2012-2013 thảm họa mà Man City trắng tay trên mọi mặt trận, triều đại Mancini đã có những dấu hiệu bất ổn. Nhưng vì đội bóng khi đó vẫn chiến thắng, vì vầng hào quang từ chiếc Cup vô địch Ngoại hạng Anh, tất cả dường như đã không đánh giá đúng đắn mức độ nghiêm trọng của tình hình. Mancini, từ thời còn ở Inter, đã bị xem như một nhà cầm quân chỉ biết chiến thắng trong ao làng và bất tài khi ra Champions League. Đó là lý do khiến Inter sa thải ông để dọn chỗ cho Mourinho, dù với Mancini, Inter lập kỷ lục với ba năm liền đoạt Scudetto.
Tại Man City, quan điểm đó lại được chứng minh một cách hùng hồn. Hai năm liền, dưới trướng ông thầy người Italy, Man City đều bật bãi ngay sau vòng bảng, với kết quả ngày càng đi xuống, thứ ba mùa 2011-2012 rồi chót bảng mùa này. Mancini biện hộ rằng đội của ông xui xẻo khi hai năm liền đều rơi vào bảng tử thần, nhưng đó là cách bao biện lố bịch, bởi xét đến việc được đầu tư lớn và nuôi tham vọng ngút trời, Man City tối thiểu cũng phải có mặt ở giai đoạn đấu knock-out.
Từ thời còn ở Inter, Mancini cũng đã cho thấy ông không phải là một ông chủ lý tưởng trong phòng thay đồ, nơi đòi hỏi không chỉ sự cứng rắn, quyết đoán nghiêm khắc mà đôi khi còn cần cả sự mềm mỏng kiểu lạt mềm buộc chặt, và tất cả phải được áp dụng đúng nơi đúng lúc. Ngay trong mùa giải 2011-2012 vinh quang, Mancini đã rất lúng túng và thiếu quyết đoán khi xử lý vụ Tevez từ chối khởi động rồi sau đó phản ứng bằng cách bỏ về Argentina. Mancini thoạt đầu chỉ trích cay nghiệt, nhưng sau đó lại sử dụng lại tiền đạo ngỗ ngược người Argentina. Tương tự là cách ông nuông chiều Balotelli với quan điểm cần phải kiên nhẫn với người tài, để anh này làm vẫn đục bầu không khí phòng thay đồ, nhưng rồi vẫn thất bại và phải đẩy con ngựa bất kham trở lại Italy.
Một tài năng lớn khác từng góp công trong chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa trước, Samir Nasri cũng trở thành nạn nhân của Mancini. Thay vì ủng hộ, bênh vực học trò khi anh này sa sút, HLV người Italy công khai chỉ trích. Ông thậm chí còn tuyên bố "chỉ muốn đấm cậu ta vào mặt" khi Nasri lấy lại phong độ cuối mùa này vì "đáng ra, Nasri phải chơi tốt như thế trong cả mùa giải".
Tội đồ trong thảm họa trắng tay
Khi Man City khởi đầu chật vật mùa 2012-2013 rồi tụt lại phía sau trên đường đua vô địch với MU, Mancini thay vì tìm cách khắc phục, chỉ biết đổ lỗi cho ban lãnh đạo keo kiệt, không chi tiền để ông mua sắm trong mùa hè. Vụ bị nẫng mất Van Persie, người sau đó trở thành cảm hứng giúp MU lấy lại ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, liên tục được Mancini đưa ra để chì chiết cựu Tổng giám đốc Brian Marwood, người đã từ chối cấp tiền mua chân sút người Hà Lan.
Trong khi một số cầu thủ Man City có biểu hiện sớm thỏa mãn với hào quang từ mùa trước, Mancini cũng không có cách để vực dậy tinh thần đội bóng. Ông thậm chí còn làm xấu đi tình hình bằng cách chỉ trích, chê bai mỗi khi các học trò chơi không tốt. Khi Aguero sa sút vì chấn thương, Mancini đã không tin tưởng vào Dzeko, dù tiền đạo người Bosnia luôn chơi không hề tồi và ghi không ít bàn thắng quan trọng trong những lần được tung vào sân.
Vụ bán Balotelli cho Milan cũng là một thất bại nặng nề của Mancini mùa này, bởi sau khi về lại Serie A, tiền đạo người Italy thăng hoa gần như ngay tức khắc, ghi 11 bàn thắng cho Milan. Hãy hình dung nếu Mancini biết cách khơi gợi cảm hứng, động lực thi đấu cho Balotelli để rồi anh này ghi ngần đó bàn thắng cho Man City, hẳn tình thế của đội bóng có thể đã khác rất nhiều, thay vì bất lực nhìn MU đăng quang sớm tới bốn vòng đấu và đến giờ vẫn chưa chắc có vị trí Á quân.
Ở Champions League, dù sở hữu những ngôi sao từng vô địch hoặc có nhiều kinh nghiệm tiến sâu ở sân chơi này như Yaya Toure, Tevez, Balotelli, Nasri, Silva, Aguero, Man City vẫn chỉ là một tập thể rời rạc. Nếu không phải là Mancini, người trực tiếp lắp ghép những cá thể ấy thành một đội bóng mạnh, một khối kết dính vững chắc, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho kết quả ê chề - đứng dưới cả Ajax, Real và Dortmund trong bảng D sân chơi châu lục.
Trong số hai giải Cup quốc nội mà Man City dự mùa này, thất bại ở Cup Liên đoàn, ngay từ vòng ba, có thể được cảm thông bởi sân chơi đó chỉ đứng ở cuối trong thứ tự ưu tiên của thầy trò Mancini mùa này. Tuy nhiên, việc để mất chiếc Cup FA trong trận chung kết mà Man City được dự báo là cầm chắc chiến thắng trước giờ bóng lăn thật sự là nỗi hỗ thẹn lớn, là cục đắng khó nuốt với Mancini.
Trước Wigan thua kém về mọi bề, đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc trong cuộc chiến trụ lại Ngoại hạng Anh, Man City lúng túng như gà mắc tóc, còn Mancini thì bất lực trong việc thay đổi tình thế. Ông không có những chỉ đạo đủ sức nặng để thổi bùng lửa quyết tâm của các học trò, dù tất cả đều hiểu đây là chiếc phao cứu sinh cho hy vọng không chịu cảnh trắng tay mùa này. Mancini cũng không có những điều chỉnh nhân sự phù hợp để làm nên đột biến, để rồi Man City phải trả giá với bàn thua ở phút 90'+1 và bất lực nhìn đối thủ nâng Cup.
Khi đội bóng thất bại, HLV trưởng, với tư cách là người chịu trách nhiệm trước tiên và cao nhất về chuyên môn, đương nhiên phải giơ đầu chịu báng. Nhưng với trường hợp của Mancini, dù được rất nhiều CĐV Man City ủng hộ, ông có lẽ khó nhận được sự cảm thông từ ban lãnh đạo, từ các cầu thủ. Pablo Zabaleta, một trong những cầu thủ được Mancini tin tưởng nhất, khi được hỏi về tương lai ông thầy sau trận chung kết Cup FA, chỉ đáp lạnh lùng: "Đó không phải là chuyện của chúng tôi. Là cầu thủ, chúng tôi chỉ tập trung vào đá bóng. Nếu ban lãnh đạo thấy cần thay đổi, tôi cho là chúng tôi phải thích nghi với thay đổi đó".
* Man City quật ngã Arsenal trong FIFA 2012.
Phương My