Manchester by the Sea là phim mới của Kenneth Lonergan và tài tử Casey Affleck. Bộ phim bắt đầu bằng một mùa đông trầm buồn, lạnh giá ở Boston, Đông Bắc Mỹ, nơi người đàn ông trung niên độc thân tên Lee trông coi một khu nhà. Ngày qua ngày, anh sống vô vị bằng việc lặp đi lặp lại các việc xúc tuyết, dọn rác, giúp đỡ các cư dân với vẻ ngoài bình thản đượm màu khắc khổ. Tuy vậy, ẩn dưới sự lầm lì của nhân vật chính là những cơn giận bùng phát, khiến anh không ngần ngại sử dụng nắm đấm khi có xô xát trong quán rượu.
Một ngày, anh trai qua đời, Lee trở về quê nhà Manchester-by-the-Sea để lo đám tang. Tại đây, người đàn ông trung niên lâm vào tình huống khó xử khi được chỉ định làm người giám hộ cho Patrick (Lucas Hedges) - đứa cháu mới lớn bốc đồng. Cũng ở đây, anh phải đối mặt với bi kịch quá khứ bản thân từng gây ra cho người vợ cũ và những đứa con ruột đã mất.
Giống các phim trước từng biên kịch hoặc đạo diễn, Kenneth Lonergan nhấn mạnh vào sự xung khắc giữa bi kịch trong ý thức và tiềm thức. Nỗi đau trong các nhân vật của ông được chôn sâu, không biểu lộ sướt mướt hoặc giãi bày theo lối khuôn sáo của Hollywood. Sự kiện đau buồn trong quá khứ của Lee được hé lộ sau khoảng nửa phim, khiến khán giả cảm thông sự thay đổi tâm tính của anh. Song, nó không trở thành trọng tâm phim mà phần lớn thời lượng mô tả cách nỗi mất mát đó phản chiếu lên quãng đời còn lại của Lee. Điều này tạo cho Manchester by the Sea dáng vóc khác nhiều phim tâm lý đương đại.
Hai nhân vật khác trong phim cũng thể hiện nguyên lý “tảng băng trôi” về cảm xúc là Patrick và Randi (Michelle Williams) - vợ cũ của Lee. Bề ngoài, Patrick là cậu trai phớt đời và thậm chí thờ ơ với cái chết của cha. Cậu chỉ quan tâm đến việc có mặt của Lee sẽ phá hỏng cuộc sống hoàn hảo của mình - chủ yếu xoay quanh các trận hockey và những cô bạn gái. Tuy nhiên, nhân vật này cũng có những ưu tư tuổi trẻ. Trong khi đó, Randi dù đã tái hôn và có con nhưng trong lòng vẫn canh cánh chuyện xưa. Trích đoạn cô hội ngộ với chồng cũ gần cuối phim gây ấn tượng mạnh với cách biểu lộ đối lập của hai nhân vật. Người vợ bộc bạch nỗi niềm trong nước mắt còn Lee cố kiềm chế cảm xúc đến lúc sắp vỡ òa thì bỏ đi.
Trên nền nội dung không mới, kỹ thuật kể chuyện độc đáo của Lonergan là điểm nhấn cho tác phẩm. Phim có kết cấu phi tuyến tính với nhiều trường đoạn hồi tưởng dài bất thường. Qua đó, quá khứ được biến thành một lời dẫn chuyện thứ hai, sóng đôi cùng các tình tiết hiện tại để nêu bật chủ đề chung về mất mát. Nghệ thuật đồng hiện, lấy sợi dây nối là dòng hồi tưởng của Lee, khiến câu chuyện rời rạc lúc đầu trở nên chặt chẽ và sâu sắc. Khán giả nhập tâm và đồng cảm từ chính góc nhìn của nhân vật, dù hoàn cảnh của họ không mang tính phổ quát. Lối kể độc đáo này thành công không chỉ nhờ đạo diễn mà còn ở vai trò của nhà biên tập Jennifer Lame khi giữ cho nhịp phim luôn ổn định và tự nhiên suốt 137 phút.
Trong nửa sau tác phẩm, Kenneth Lonergan phô diễn thế mạnh của một tác gia điện ảnh xuất thân kịch nghệ. Những đoạn thoại dài là công cụ để các nhân vật bày tỏ quan điểm, tiêu biểu như cuộc nói chuyện đậm chất sân khấu giữa Lee và vợ cũ. Sự chỉn chu trong ngôn ngữ đủ để truyền tải cảm xúc tròn đầy, khiến đạo diễn không cần sử dụng thêm nhiều thủ pháp hình ảnh.
Để tránh cảm giác đơn điệu, nhà làm phim 54 tuổi thêm thắt nhiều chi tiết đời thường về những người xung quanh tuyến nhân vật chủ chốt. Các khoảnh khắc nho nhỏ, không có mục đích rõ ràng này có thể khiến một số khán giả thấy phim mất định hướng, nhưng đó lại là phong cách đặc trưng của Lonergan. Người xem nhiều lần lạc trôi giữa bức tranh đa sắc về cuộc sống lạnh lẽo ở Đông Bắc nước Mỹ, trước khi bị kéo về mạch chính.
Đối với cả đạo diễn Kenneth Lonergan và nam chính Casey Affleck, Manchester by the Sea đánh dấu cuộc trở lại ngọt ngào của họ trong năm 2016. Lonergan gây tiếng vang ngay từ phim đầu tay You Can Count On Me (2000), nhưng đến phim thứ hai Margaret lại gặp trắc trở lớn. Lúc đầu, tác phẩm dự định ra mắt năm 2007, nhưng đạo diễn và hãng phim mâu thuẫn lớn khi Lonergan kiên quyết không chịu cắt phim còn 150 phút theo ý nhà sản xuất. Cuộc tranh cãi kết thúc ở tòa án và phim chỉ có thể ra mắt vào năm 2011. Sự việc này thể hiện rõ sự cực đoan trong nghệ thuật của nhà làm phim. Thành công của bộ phim mới nhất giống như phần thưởng cho sự kiên trì, quyết tâm của ông trong nghệ thuật.
Trong khi đó, Casey Affleck từng nổi lên như ngôi sao triển vọng qua các phim Gone Baby Gone (2007) hay The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford (2007). Tuy nhiên anh thường bị lu mờ bởi người anh trai Ben Affleck và không có vai diễn đáng nhớ nào từ sau scandal quấy rối tình dục năm 2010. Trong Manchester by the Sea, Casey Affleck được Matt Damon nhường vai, xuất hiện đến hơn 90% cảnh quay và thể hiện trọn vẹn hai thái cực vui buồn của nhân vật trước và sau bi kịch. Lối diễn tiết chế, đè nén sự đau khổ của Affleck được duy trì gần như suốt bộ phim. Đến trích đoạn kịch tính nhất phim, tài tử có sự chuyển đổi hoàn hảo từ trầm lặng sang bùng nổ chỉ trong giây lát.
Ra mắt tại Liên hoan phim Sundance 2016, Manchester by the Sea nhanh chóng gây tiếng vang trong giới phê bình. Tác phẩm nhận được sáu đề cử tại Oscar 2017, bao gồm giải Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản gốc, Nam diễn viên chính (Casey Affleck), Nam diễn viên phụ (Lucas Hedges) và Nữ diễn viên phụ (Michelle Williams). Trong số này, trang Variety đánh giá cao nhất cơ hội của Casey Affleck và nhận định anh có khả năng vượt qua Ryan Gosling của La La Land để giành tượng vàng năm nay.
Ân Nguyễn