Thứ tư, 27/10/2021, 14:59 (GMT+7)

Man Utd tệ thế nào dưới thời Solskjaer

Các chỉ số phòng ngự, thành tích trước "Big 6" hay sự yếu kém của các cá nhân... sẽ bóc trần những mảng tối của Man Utd dưới thời Ole Solskjaer.

Thất bại 0-5 trước Liverpool đánh dấu một giai đoạn buồn, đồng thời là một cột mốc bi đát với Man Utd. Chủ nhà bị dẫn 4-0 ngay hiệp 1, Paul Pogba bị truất quyền thi đấu khi tỷ số đã là 5-0, còn Mohamed Salah xác lập cú hat-trick để chạm đến số bàn thắng hai chữ số chỉ sau chín trận đấu tại Ngoại hạng Anh.

Thất bại ê chề của Man Utd đến sau gần một thập kỷ kể từ trận thua sốc 1-6 trước người hàng xóm Man City cũng tại Old Trafford. Trận đó Quỷ đỏ thành Manchester cũng chỉ còn chơi với 10 người từ đầu hiệp 2.

Trận thua lần này đẩy thầy trò Ole Solskjaer xuống thứ 7, với cùng 14 điểm với Everton, Leicester và Arsenal. Từng về nhì mùa trước và có những sự đầu tư mạnh mẽ trong kỳ chuyển nhượng hè vừa qua, rõ ràng, đây không phải là sự khởi đầu mùa giải mà người hâm mộ Man Utd có thể nghĩ tới. Đến nay, đội bóng của họ đã trải qua 3 thất bại sau 4 trận gần nhất tại Ngoại hạng Anh, bao gồm trận thua Leicester, Aston Villa, Liverpool và trận hòa Everton.

Những tưởng các danh hiệu lớn và thậm chí có lẽ cả chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên sau chín năm sẽ về với Man Utd mùa này, nhưng giờ đây, chúng chỉ còn là niềm hy vọng mong manh dù mùa giải vẫn còn một chặng đường dài và những con số chỉ đang cho thấy thầy trò Solskjaer hụt hơi ngay từ giai đoạn này.

Tính đến nay, qua những lần đối đầu với các đội bóng trong nhóm Big 6 truyền thống, Man Utd thu về 34 điểm dưới kỷ nguyên của HLV người Na Uy, chỉ nhiều hơn một nửa so với số điểm mà những đối thủ cạnh tranh danh hiệu trực tiếp như Liverpool và Man City giành được xét trong cùng giai đoạn.

Sự tương phản về màn trình diễn giữa tập thể lẫn những cá nhân của Man Utd và Liverpool trên sân được khắc họa sâu sắc qua trận derby nước Anh vừa qua. Từ đó, người ta tiếp tục đặt câu hỏi về tính chính xác và đúng đắn trong chính sách chuyển nhượng của đội chủ sân Old Trafford suốt nhiều năm qua.

Man Utd thời Solskjaer đã chi tiêu ròng 430 triệu USD, trong khi Liverpool lại đạt mức lợi nhuận từ các thương vụ mua bán trên thị trường chuyển nhượng hơn 5 triệu USD, tính từ kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2019, tức mùa chuyển nhượng đầu tiên của Solskjaer tại Old Trafford.

Mùa hè vừa qua, "Quỷ đỏ" mang về Jadon Sancho với giá 100 triệu USD, Raphael Varane 56,5 triệu USD và Cristiano Ronaldo 27 triệu USD. Ngược lại, Liverpool chỉ chiêu mộ Ibrahima Konate với giá 49,5 triệu USD, mức chi tiêu này được bù lại bằng những thương vụ chia tay Harry Wilson, Xherdan Shaqiri, Taiwo Awoniyi...

Giới phân tích còn chỉ trích đội bóng của Solskjaer quá lười biếng ở quãng đường di chuyển trên sân. Ở mục này, Man Utd chỉ đứng thứ 14 trong 20 đội bóng Ngoại hạng Anh mùa giải hiện thời. Tuy vậy, những đối thủ trực tiếp như Tottenham hay Chelsea đều có tổng quãng đường di chuyển trên sân xếp sau Man Utd tính đến lúc này. Ở đây, cần phải xét đến nhiều yếu tố, chẳng hạn việc hàng thủ Man Utd có xu hướng đẩy cao, từ đó phạm vi bao phủ bề mặt sân bó hẹp lại, rút ngắn phạm vi di chuyển của các cầu thủ.

Song, cũng chính con số quãng đường di chuyển ấy nếu được xem xét hợp lý sẽ mang đến một cái nhìn lý giải hơn. Nếu tính riêng qua từng trận đấu trong mùa giải này, trong 9 vòng Ngoại hạng Anh đã qua, Man Utd có đến 7 trận di chuyển quãng đường trên sân ít hơn các đối thủ mà họ đối đầu. Cụ thể, khi gặp những Leeds Utd, Southampton, West Ham, Aston Villa, Everton, Leicester và Liverpool gần đây, Quỷ đỏ đều có quãng đường di chuyển trên sân ít hơn, với mức chênh lệch cao nhất là trước Everton, kém hơn 6,64km. Trong khi đó, 2 trận đấu hiếm hoi Man Utd di chuyển quãng đường nhiều hơn đối thủ là trước Wolverhampton và Newcastle Utd, nhưng chỉ nhỉnh hơn lần lượt 80 mét và 810 mét. Tổng cộng, qua 9 trận đấu đó, Man Utd di chuyển kém hơn các đối thủ 25 kilomet.

Xét riêng từng cá nhân, Bruno Fernandes và Aaron Wan-Bissaka có tổng quãng đường di chuyển nhiều nhất trên sân qua các trận đấu trong nhóm những cầu thủ thường xuyên đá chính. Song, Jesse Lingard và Edinson Cavani dù chủ yếu chỉ được sử dụng từ băng ghế dự bị, lại có quãng đường di chuyển trung bình mỗi 90 phút ở mức cao nhất, lần lượt ở mức 15,4km và 12 km.

Không phải cứ chạy nhiều thì pressing gây áp lực sẽ quyết liệt. Pressing hiệu quả nằm ở tính đồng bộ của cả hệ thống và pressing được tính dựa trên các hành động phòng ngự như tắc bóng, phạm lỗi hay gây áp lực lên đối thủ. Tuy vậy, với Man Utd, họ không những di chuyển ít hơn đối thủ mà còn pressing rất kém trong mùa giải này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó, sự thỏa hiệp trong việc chiêu mộ và lắp ghép một cầu thủ có tuổi và được đặc cách giải phóng khỏi trách nhiệm phòng ngự như Ronaldo cũng là một lý do. Những con số cho thấy, Man Utd lúc này đứng dưới đáy Ngoại hạng Anh ở các khoản tắc bóng và tranh chấp tay đôi. Thành tích cũng không khá hơn là bao ở các khoản cắt bóng, không chiến và thu hồi bóng.

Những con số chuyên sâu hơn phản ánh chính xác tần suất một đội bóng gây áp lực lên đối thủ cho thấy Man Utd hiện chỉ đứng thứ 16 trong số 20 CLB tại Ngoại hạng Anh, hơn Wolverhampton, Tottenham, Newcastle và Norwich. Con số này chỉ ra, chỉ có đúng 153 lần trong mùa giải hiện tại, hai cầu thủ trở lên của Quỷ đỏ hiệp đồng tác chiến tổ chức gây áp lực đồng thời lên một hoặc hai cầu thủ trở lên của đối thủ. Nếu nhìn sang Chelsea, con số tương ứng là 222 lần.

Giờ, hãy đào sâu hơn vào từng cá nhân. Lingard là cầu thủ pressing tích cực và năng nổ nhất xét trong mỗi 90 phút, nhưng việc mới chỉ ra sân 55 phút tại Ngoại hạng Anh mùa này khiến khả năng đó của anh không được phát huy. Trung bình mỗi 90 phút, Lingard có thể tạo ra 60,5 hành động gây áp lực lên đối thủ.

Bruno và Fred dẫn đầu ở cả số lượng tổng lẫn trong mỗi 90 phút xét trong nhóm các cầu thủ thường xuyên đá chính. Edinson Cavani dù ra sân không nhiều nhưng trung bình vẫn thực hiện gần 36 nỗ lực gây áp lực lên đối phương. Ngược lại, Ronaldo trung bình mỗi 90 phút chỉ tham gia gây áp lực có gần 13 lần.

Những vấn đề phòng ngự đóng vai trò quan trọng đằng sau sự sa sút thê thảm của Man Utd lúc này. Nhưng thực tế, đó đã là một nỗi lo từ mùa giải trước. Chính việc ngược dòng giành về 31 điểm từ thế bị dẫn bàn trong mùa giải 2020/2021 đã chứng minh rằng sức mạnh hàng công, hay chính xác là phẩm chất của những cá nhân đã giúp đội chủ sân Old Trafford che lấp đi những điểm yếu trong khâu phòng ngự suốt một thời gian dài.

Nhìn vào đồ họa này, chúng ta nhận thấy Man Utd đứng thứ 13 Ngoại hạng Anh với 15 bàn để thủng lưới. Dữ liệu từ số bàn thua kỳ vọng cũng khẳng định chính xác con số để thủng lưới trên thực tế của đội bóng này. Nói cách khác, Man Utd đã để các đối thủ tận dụng chính xác và triệt để những cơ hội mà họ có được. Đáng chú ý, từ thế dẫn bàn, Man Utd đã đánh mất đến 5 điểm, tức là cục diện đang có dấu hiệu đảo chiều so với phong cách ngược dòng ở mùa giải trước.

Đồng thời, nếu đã bị dẫn bàn, cơ may lội ngược dòng của thầy trò Solskjaer cũng ít xảy ra hơn – dù trước Atalanta có thể là một ngoại lệ – khi mà những sai lầm cá nhân trực tiếp dẫn đến các pha dứt điểm của đối thủ lúc này là nhiều nhất Ngoại hạng Anh, với 8 lỗi. Một trong số đó đã dẫn tới bàn thua. Cá nhân mắc lỗi nhiều nhất hiện tại lại là thủ quân của họ: Harry Maguire.

Bản đồ vị trí các tình huống mắc lỗi của những cá nhân Man Utd dẫn tới các pha dứt điểm dành cho đối phương ở mùa hiện tại cho thấy: Hầu hết chúng diễn ra ở khu vực hành lang cánh trái. Đó cũng chính là nơi đã dẫn đến các pha phối hợp làm nên bàn thắng của những đối thủ gần đây mà Quỷ đỏ đối đầu.

Cho đến lúc này, mọi nguồn tin lớn đều tin rằng Solskjaer vẫn sẽ tiếp tục tại vị. Vậy câu hỏi được đặt ra lúc này: HLV người Na Uy có chịu thay đổi? Man Utd có thay đổi? Áp lực vẫn đang bủa vây. Và càng đổ thêm dầu vào lửa chính là lịch thi đấu từ đây cho tới giai đoạn trước kỳ nghỉ Giáng sinh của đội chủ sân Old Trafford, từ những Tottenham, Man City, Chelsea và Arsenal ở Ngoại hạng Anh, cho đến Atalanta và Villarreal ở Champions League.

Hoàng Thông (theo Sky Sports)