* Man Utd - Arsenal: 23h30 Chủ nhật 1/11, giờ Hà Nội.
Nửa tháng trước khi Man Utd tiếp Arsenal, nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson cho ra mắt cuốn tự truyện của Arsene Wenger, có tựa đề "Đời tôi trong hai màu Đỏ - Trắng". Hai màu ấy là hai màu trên sắc áo Arsenal. Man Utd cũng có những mùa giải mặc áo Đỏ - quần Trắng. Và cuốn tự truyện chính thức đầu tiên của Wenger (trước đó cũng đã có những cuốn không chính thức, như cuốn của Xavier Rivoire năm 2008) có lẽ được đơn vị phát hành chọn thời điểm ra mắt, đón đầu trận Man Utd - Arsenal để bám theo xu hướng quan tâm. Nhưng xu hướng ấy hiện tại không còn mạnh mẽ như trước - thời mỗi trận cầu giữa hai đội còn được xem là kinh điển của Ngoại hạng Anh.
Những ai quan tâm tới bóng đá và đặc biệt là yêu thích bóng đá Anh đều sẽ hiểu Man Utd - Liverpool mới là cuộc đấu kinh điển đúng nghĩa ở xứ sương mù. Nhưng trận đại chiến đó, trong khoảng 30 năm trở lại đây, chưa bao giờ đủ sức làm sôi lên dư luận trong và ngoài xứ sương mù đúng với tầm vóc của nó. Không phải vì nó không có sức cuốn hút lên đến đỉnh điểm mà thực tế do hoàn cảnh nhiều hơn. Và cũng trong 30 năm trở lại đây, chính trận Man Utd - Arsenal mới có những năm tháng đủ tầm cuốn hút có thể sánh với El Clasico hay derby d’Italy.
Và khi đã nói đến hoàn cảnh, sở dĩ Man Utd gặp Arsenal từng làm sôi lên bầu máu nóng như vậy cũng bởi nó rơi vào đúng một giai đoạn phù hợp. Và cơ bản hơn nữa, nó có những con người phù hợp, đủ sức biến cuộc đấu giữa họ thành biểu tượng: Alex Ferguson và Arsene Wenger.
Cuộc đấu vĩ đại sẽ là trận đấu giữa hai đấu thủ lớn nhất của giải đấu. La Liga, dù gì đi nữa vẫn là cuộc đua song mã giữa Real và Barca, và do đó, nó trở thành một trận chiến vĩ đại thực sự. Bối cảnh La Liga là cuộc chơi xoay quanh hai siêu đội bóng kia cộng với sự phụ họa của 18 cái tên còn lại. Bởi thế, El Clasico trở thành cuộc quyết chiến bản lề cho việc cạnh tranh ngôi vô địch và bên cạnh đó còn là những yếu tố khác biệt về văn hoá nữa. Và trong giai đoạn Man Utd và Arsenal vượt trội mọi đối thủ còn lại ở Ngoại hạng Anh, trận đấu giữa họ cũng trở thành trận đấu số một. Nhưng nó chỉ trở nên vĩ đại hơn khi có Ferguson và Wenger, những HLV định hình cá tính của CLB mỗi người chèo lái.
Khi Ngoại hạng Anh bắt đầu giàu có hơn, Top 4 được đề cập nhiều hơn trước khi nhường chỗ cho khái niệm "Big Six". Khái niệm mở rộng này cho thấy ở Anh cuộc đua ngôi vô địch không còn là mặc định chỉ dành cho Man Utd và Arsenal nữa. Và dù ở mỗi mùa bóng, cuộc đua ngôi vô địch càng về cuối càng chỉ gói gọn lại ở hai ứng viên trong nhóm sáu ông lớn kia, thì cuộc đấu giữa hai ứng viên đó cũng không thể vươn tới tầm sức hút như thời Man Utd, Arsenal ghanh đua. Đơn giản, cuộc đua phải có bề dày lịch sử, và phải có những đối địch cân não bên ngoài, từ những cá tính khác biệt của những con người cầm đầu. Và cái cách mà ngày xưa Ferguson "hạ chiến thư" cho Wenger mỗi khi bóng sắp lăn cũng đủ khiến người hâm mộ cảm thấy cuộc chơi giữa họ lôi cuốn thế nào. Những chiến thư ấy không lời, và luôn mang một màu duy nhất: màu đỏ.
Thời còn cầm quân, Wenger có lần trả lời phỏng vấn truyền hình rằng việc ông thường làm mỗi khi Arsenal thua trận là ngồi một mình trong phòng, uống một chai rượu vang đỏ và suy ngẫm. Ông không xem lại băng hình trận thua ấy để mổ xẻ. Đó là việc ông sẽ làm sau đó, ở một thời điểm khác, khi đã tịnh tâm hơn. Còn khi thua, với ông, chỉ cần một ly vang đỏ, một mình trên sofa. Thế là đủ.
Chia sẻ của Wenger trở thành thú vui của Ferguson. Và thành thói quen, cứ mỗi khi Man Utd chuẩn bị đấu Arsenal, Ferguson lại gửi tặng Wenger một chai Bourgogne. Đó là một chiến thư thực sự, ngạo nghễ nhưng lịch lãm. Nó như lời an ủi rằng "Ông lại thua nữa rồi. Thôi, tôi san sẻ nỗi buồn cùng ông bằng một chai vang hảo hạng".
Món quà ấy chính là một chiến thư màu đỏ. Thứ đã không còn trong thế giới bóng đá hôm nay, khi mà các HLV quen dùng mạng xã hội hơn là sẵn lòng rủ nhau ngồi bên một chai rượu trong một bữa tối sang trọng và riêng tư sau đêm thi đấu.
Nhưng tại sao lại phải là Bourgogne mà không phải là rượu từ hữu ngạn Bordeaux như Saint-Emillion hay Pomerol hoặc một chai vang trắng vùng Alsace quê hương của Wenger cho tình cảm? Có lẽ, là một người mê vang, Ferguson gửi gắm nhiều ý nghĩa trong chai Bourgonge mà ông gửi tặng. Màu đỏ của Bourgogne nhạt sắc hơn vang Bordeaux. Hương của Bourgogne thơm lộng lẫy hơn, nhưng thiếu sự nồng nàn. Vị của Bourgogne quyến rũ lúc ban đầu hơn, nhưng nó không dày và để lại dư vị ngọt ngào lâu bền như Saint-Emillion hay Pomerol. Nói chung, Bourgogne có cái phù phiếm của một cô gái rất bề ngoài chứ không có cái sâu sắc, đằm thắm, quyến rũ đến mê muội như của vùng Bordeaux. Phải chăng, Ferguson muốn ám chỉ rằng "Arsenal của ông cũng vậy đó. Đẹp nhưng chỉ là bên ngoài và không phải là một sắc hương bền bỉ với thời gian, như một thứ trông có vẻ dày cui, thô ráp và cục mịch như Man Utd của tôi"?
Wenger có uống những chai rượu mà Ferguson gửi tặng khi ông thất bại hay không? Không ai biết điều đó cả. Nhưng uống nó ở một thời điểm khác thì chắc là có. Người Pháp không chê rượu vang bao giờ. Đặc biệt, khi nó là rượu quý. Rượu của Ferguson không chỉ quý vì giá trị - Ferguson thường mua tặng những chai rất ngon và đắt - mà nó còn quý vì người tặng hiểu Wenger như nằm lòng và hơn nữa, nó đôi khi là một bài học, nhất là lúc Arsenal thất bại.
Cái mối quan hệ kiểu ấy mới là điều tạo nên giá trị cho trận Man Utd - Arsenal một thời. Ferguson và Wenger, thật ra, rất giống nhau, khi họ đến CLB của mỗi người làm việc những năm tháng đầu. Nếu Wenger bị báo chí Anh giật ra trang bìa với cái tít "Gã Arsene quái quỷ nào thế?" lúc ông nhậm chức ở Arsenal, thì Ferguson thậm chí còn bị yêu cầu nên được cho nghỉ ngay sau khi ông giành danh hiệu đầu tiên với Man Utd - một chiếc Cup FA. Không ai đánh giá cao họ lúc ban đầu cả.
Cũng ở thuở ban đầu của họ, chính uy tín, thương hiệu của CLB mới giúp Ferguson, Wenger tạo dựng nên thương hiệu cá nhân cho mỗi người. Nhưng rồi theo thời gian, khi họ định hình một tính cách, một phong thái, một văn hoá cho hai CLB kia, họ mới là những thương hiệu lớn góp phần tạo dựng nên thương hiệu của trận "kinh điển" Ngoại hạng Anh một thời.
Mối quan hệ đại kình địch giữa họ thực sự là một dạng quan hệ lý tưởng của những người hùng có tư chất hiệp sỹ. Họ gay gắt với nhau, thậm chí có lúc không thèm gọi tên nhau mà chỉ dùng từ "gã đó", nhưng họ vẫn giữ được sự lịch lãm của những quý ông dành cho nhau. Đó là lý do tại sao cái kình địch giữa Jose Mourinho với Wenger sau này không sánh được tầm vóc với mối kình địch Ferguson - Arsene. Cơ bản, Mourinho là người mà Ferguson từng khen ngợi rằng "bóng đá xuất thân từ cần lao và Jose là người đã có công trả lại bóng đá cho giới cần lao đúng nghĩa", và cách cư xử của Mourinho với Wenger nói riêng, và với nhiều đối thủ khác nói chung, bị cho thiếu đi sự tinh tế của giới thượng lưu. Ngay cái cách Mourinho trả lời báo chí về chuyện tự truyện của Wenger không có chút nào nói về ông là một minh chứng. "Ông ấy có gì để mà nói về tôi cơ chứ khi ông ấy chẳng bao giờ thắng nổi tôi". Câu nói này sẽ phát huy tác dụng nếu đối thủ còn làm việc. Còn khi người ta đã nghỉ rồi, bao dung được cho nhau chút nào chẳng hơn ư?
Đó là lý do mà khi Ferguson nghỉ hưu, người đồng nghiệp đầu tiên nhắn tin chúc phúc ông chính là Wenger. Tại sao lại là Wenger, khi mà ở thời kỳ Ferguson còn làm việc tại Man Utd, những lời Ferguson dành cho ông trong các cuộc họp báo đều thuộc dạng "cay phải biết". Như lần báo chí ca ngợi Wenger là người thông minh, nói thạo năm ngoại ngữ, Ferguson đáp: "Thông minh à? Năm ngoại ngữ à? Đội tôi có cậu nhóc 15 tuổi đến từ Bờ Biển Ngà cũng nói được năm ngoại ngữ". Ngược lại, Wenger cũng có những lần chạm tới tự ái của Ferguson tới mức mà nếu là huyền thoại người Scotland, có khi chúng ta sẽ phải làm cho ra nhẽ. Nhưng, Ferguson cũng chẳng phản ứng gì, y như Wenger đối xử với ông. Giữa họ, đó không phải là thái độ "không thèm chấp", mà nó là sự biến chuyển từ thù địch trở thành kính trọng nhau, như cái cách những thủ lĩnh vĩ đại vẫn ứng xử với nhau sau cuộc chiến.
Sự kính trọng ấy thực tế đã bắt đầu từ những ngày đầu Wenger đến Anh. Ferguson nhận ra rằng đó sẽ là một đối thủ lớn, một HLV tài năng có sức ngăn cản Man Utd trên chặng đua vô địch. Và Ferguson phải tung những đòn cân não trước, kiểu như câu phát biểu "À, ông này mới đến đây được năm ba phút mà đã dạy chúng ta phải làm bóng đá thế nào cơ à?". Ngược lại, Wenger cũng nhận rõ rằng nếu muốn gầy dựng cơ đồ ở Ngoại hạng Anh, ông phải vượt qua số một: Alex Ferguson. Họ như được sinh ra để dành cho nhau, cùng tạo nên một Ngoại hạng Anh kỳ thú và một "kinh điển" của bóng đá Anh thời đó.
Trong cuốn tự truyện "Đời tôi trong hai màu Đỏ - Trắng", Wenger chỉ nhắc tới Ferguson đúng năm lần. Đó là một con số thực ra vừa đủ dành cho một đối thủ lớn, nếu không nói là vĩ đại. Nhắc nhiều quá sẽ thành ám ảnh. Không nhắc đến sẽ là một sự thù ghét, đến mức muốn bôi xoá tất cả. Và quan trọng nhất, có một lần đáng để người đọc suy ngẫm "Ferguson sẵn sàng chết vì CLB của ông ấy. Và tôi cũng vậy".
Bây giờ, bóng lại sắp lăn trong trận cầu hai sắc Đỏ và Trắng. Nhưng nó nhạt nhoà hơn thời còn Ferguson - Wenger rất nhiều. Cơ bản, những HLV như Ole Solskjaer hay Mikel Arterta chưa đủ tầm vóc để tạo nên một thứ mà chính Wenger nhận xét về Ferguson: Uy lực trong bóng đá Anh. Và giả như ngồi ở ghế HLV Man Utd và Arsenal lúc này là Jurgen Klopp và Pep Guardiola, hoặc Mourinho và Guardiola đi nữa, cái tính đối kháng dữ dội nhưng lịch lãm, cuồng nộ nhưng trí tuệ của Ferguson - Wenger ngày trước cũng sẽ không thể nào tái hiện được. Đơn giản, cách đối thoại, và đối đầu, của các HLV sau này không tinh tế như cách của những tiền bối, những người không chỉ biết thưởng thức trận cầu trên sân cỏ mà còn cả bên bàn rượu, như cách Fergie gửi Bourgogne cho Wenger trước đây, và hiện giờ là thi thoảng trao đổi whisky với Marcelo Lippi khi đã giải nghệ.
Một điều khá nhiều người biết là Wenger từng nhận được lời mời tới Old Trafford để kế tục Fergie nhưng một điều ít người biết là Fergie nói tiếng Pháp rất tốt. Ông nói tiếng Pháp với Wenger lần nào chưa thì chúng ta chưa được nghe kể nhưng ông vẫn thường nói tiếng Pháp khi nói chuyện với Lippi, bởi tiếng Anh của Lippi rất tệ còn tiếng Italy của Fergie thì ngoài "Ciao" ra chẳng còn gì. Điều đó cho thấy, ít ra, giữa Fergie và Wenger còn thêm một thứ chung: ngôn ngữ.
Năm 2012, khi cùng dự khán một trận đấu của PSG trên sân Parc de Princes, hai tuyển trạch viên tại thị trường Pháp của Arsenal và Man Utd là Grimandi và David Friio từng được hỏi: "Hai anh thân nhau thế này, nhỡ cả hai cùng thích một cầu thủ thì sao? Cậu cầu thủ ấy sẽ được chọn về Arsenal hay Man Utd?". Họ trả lời "Về đâu cũng tốt cho cầu thủ ấy cả. Làm việc với hoặc Wenger, hoặc Fergie, đó là chuẩn nhất rồi".
Kể từ khi Arsenal không còn sức đua tranh vô địch nữa, trận Man Utd - Arsenal cũng bớt đi độ hấp dẫn của nó, nhưng chuyện Fergie - Wenger vẫn đủ làm nóng cả trong lẫn ngoài cầu trường. Còn bây giờ, họ không còn ở đó nữa. Và biết đến bao giờ, ở Anh, Man Utd gặp Arsenal mới trở lại là một trận cầu có sức hấp dẫn như thời những chiến thư màu đỏ?
Hà Quang Minh