Theo giới thiệu của Apple, Ceramic Shield do Corning sản xuất "cứng hơn bất kỳ loại kính bảo vệ nào trên smartphone". Nó có khả năng chống va đập do rơi vỡ cao hơn bốn lần thông thường.
Apple không phải là công ty sản xuất smartphone đầu tiên dùng chất liệu gốm cho thiết bị của mình. Các sản phẩm như Essential Phone, Xiaomi Mi Mix hay Samsung Galaxy S10 đã dùng loại vật liệu này nhưng mới dùng cho mặt sau thay vì mặt kính phía trước.
Theo Apple, việc dùng kính phủ ceramic cho mặt trước iPhone mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng vì bảo vệ tấm nền hiển thị khỏi các va đập sẽ quan trọng hơn là bảo vệ mặt sau của máy. Việc trang bị kính bền hơn giúp người dùng không tốn thêm chi phí cho phụ kiện cường lực.
Corning cho biết Ceramic Shield có thành phần chủ yếu là tinh thể gốm - thủy tinh có độ bền cao vì cứng, nhẹ và hầu như không truyền nhiệt và dẫn điện. Công ty cũng nhấn mạnh Ceramic Shield là tấm kính phủ ceramic không màu, trong suốt đầu tiên trên thế giới.
"Vật liệu mới của Corning gồm các tinh thể gốm kích thước nano phủ lên một ma trận thủy tinh. Tỷ lệ giữa tinh thể gốm và thủy tinh được điều chỉnh phù hợp để vật liệu có độ trong suốt cao. Các tinh thể hình thành cấu trúc liên kết với nhau chặt chẽ, làm lệch hướng lực tác động trực tiếp lên bề mặt, giúp chống nứt vỡ khi va đập. Kể cả khi đã bị nứt vỡ, thiết bị vẫn được bảo vệ", Corning giải thích.
Độ bền màn hình được nhiều hãng smartphone quan tâm gần đây. Trước đó, Samsung đã trang bị Gorilla Glass Victus, kính cường lực có độ bền được đánh giá cao nhất của Corning, cho Galaxy Note20 Ultra. Thử nghiệm cho thấy, thiết bị dùng kính này có thể "sống sót" sau 20 lần rơi ở độ cao một mét, cao hơn so với 15 lần của Gorilla Glass 6.
Loạt iPhone 12, gồm 12 mini, 12, 12 Pro và 12 Pro Max ra mắt rạng sáng nay (giờ Hà Nội) với kích thước màn hình lần lượt 5,4, 6,1, 6,1 và 6,7 inch. Máy có thiết kế vuông vắn tương tự iPhone 5, màn hình OLED, vi xử lý Apple A14 Bionic và kết nối 5G.
Bảo Lâm (theo The Verge)