Các kỹ sư trình diễn tấm bảng cảm ứng mới bằng việc mô tả đường bay cứu trợ sóng thần. (Ảnh: AP) |
Khi một nhóm tụ tập quanh chiếc máy tính để trao đổi về dự án, họ thường phải loay hoay để tìm một góc nhìn tốt đến màn hình, đồng thời cố gắng với tới được chuột và bàn phím. Để khắc phục điều đó, công nghệ DiamondTouch của Mitsubishi sẽ chiếu màn hình PC lên một chiếc bàn. Mọi người tham gia sẽ dùng tay trỏ lên những đối tượng được hiển thị và hệ thống sẽ nhận ra đó là ý kiến của ai dựa theo vị trí người ngồi.
Nguyên tắc làm việc của bàn thảo luận công nghệ cao này rất đơn giản: trên mặt bàn khoảng 47 inch được tích hợp sẵn một ma trận cảm ứng điện tử. Mỗi người tham gia thảo luận sẽ ngồi lên chiếc ghế là một điện cực. Dòng điện cực nhỏ cơ thể sẽ truyền qua cơ thể sẽ giúp hệ thống sẽ nhận ra từng người qua chỗ ngồi của họ, từ đó nhận ra ai đang chạm lên màn hình. Tín hiệu được truyền vào máy tính, điều khiển hiển thị hình ảnh theo sự tương tác của người thuyết trình. Nhà sản xuất khẳng định dòng điện chạy qua cơ thể người dùng nhỏ đến mức không gây tác hại nào cả.
"Đó là phương pháp điều khiển máy tính của tương lai mà không dùng bàn phím và chuột", Masakazu Furuichi, kỹ sư trưởng của Mitsubishi, nói. "Đó là cách đơn giản cho tất cả mọi người, kể cả người già và những ai không thường xuyên dùng máy tính".
Trong buổi giới thiệu tại Tokyo (Nhật Bản), các kỹ sư đã trình diễn nhiều ứng dụng của loại màn hình này. Trong một ví dụ, chỉ một chiếc gõ nhẹ trên mặt bàn để chuyển đổi từ tấm hình vệ tinh về một khu vực ảnh hưởng nặng nề từ sóng thần trước và sau khi chúng quét qua. Khi di ngón tay trên hình ảnh, một đường kẻ xuất hiện thể hiện đường đi sẽ phân phát hàng cứu trợ.
Trong một ví dụ khác là trò chơi sắp chữ. Hình ảnh con chữ được chọn và di chuyển bằng những thao tác đơn giản trên đầu ngón tay. Công nghệ mới cũng tích hợp cả công nghệ nhận dạng giọng nói cho trò chơi điện tử. Với hình ảnh chiếc xe tăng băng qua sa mạc, bạn có thể đóng vai vị sĩ quan bằng cách gõ lên vị trí và ra hiệu lệnh của mình. Thậm chí các tấm bảng cảm ứng có thể dùng tại các vườn trẻ để vẽ tranh bằng tay.
Hiện tại, giá cả của thiết bị này vẫn còn quá cao, khoảng 10.000 USD một chiếc và chỉ được làm theo đơn đặt hàng. Nhà sản xuất cho biết giá sẽ không thể hạ xuống khi nhu cầu sản phẩm chưa đủ để sản xuất đại trà.
Một số hãng điện tử khác cũng đang nghiên cứu bảng làm việc tương tự. HP Labs, đơn vị nghiên cứu phát triển của Hewlett-Packard, cũng mới trình diễn về bảng cảm ứng của họ. Sản phẩm của HP có kích thước bằng chiếc bàn uống cà phê, tuy nhiên chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Đây là lần đầu tiên màn hình cảm ứng được đưa lên mặt bàn, dù chúng được xuất hiện trong nhiều thứ khác nhau như máy trả lời tự động, thiết bị dẫn hướng xe hơi, thậm chí cả các máy hát karaoke. Phổ biến nhất là ứng dụng trong các thiết bị tính toán, chơi game cầm tay và điện thoại di động.
Yuji Mitani, một chuyên gia tư vấn hàng đầu của Touch Panel Laboratories (Nhật Bản) chuyên viết sách về màn hình cảm ứng, cho biết công nghệ này sẽ phát triển hơn khi chúng có thêm nhiều phần mềm ứng dụng.
"Bảng cảm ứng điều khiển trực quan và tức thời hơn bàn phím và chuột", Mitani nói. "Nó mang lại nhiều diện tích làm việc hơn, cũng có nghĩa là nhiều ứng dụng hơn".
Hạ Thảo (theo CNN)