Hai ngón tay thực hiện hai thao tác khác nhau. Ảnh: TechReview. |
Công nghệ giao diện đa điểm, đa tiếp xúc này sẽ giúp mọi người thao tác nhanh hơn trên màn hình nhỏ, chẳng hạn họ có thể dễ dàng phóng to, thu nhỏ hình ảnh bằng hai ngón tay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Jeff Han, thuộc Đại học New York (Mỹ), "thiết bị iPhone quá nhỏ để mọi người cảm nhận hết được sự kỳ diệu của công nghệ. Nó sẽ tuyệt vời hơn nếu nhiều người cùng đứng trước một màn hình lớn và phối hợp sử dụng ăn ý với nhau".
Han đã phát triển thành công một giao diện hỗ trợ cùng lúc 10 - 20 ngón tay với chi phí thấp. Ông cũng vừa thành lập công ty Perceptive Pixel để thương mại hóa công nghệ và sẽ xuất xưởng màn hình rộng bằng một bức tường ngay trong tháng này cho một đơn vị quân đội Mỹ.
Công nghệ đa chạm đã được đề cập đến từ thập niên 80. Phòng thí nghiệm Mitsubishi (Mỹ) đã giới thiệu bàn DiamondTouch, cho phép một nhóm người ngồi xung quanh và cùng trình bày dự án. Có nhiều cách sản xuất màn hình đa điểm, ví dụ đo sự thay đổi điện trở hoặc điện dung trên bề mặt khi ngón tay chạm vào. Nhưng những thiết bị dựa trên phương pháp này thường bị hạn chế về độ phân giải và đòi hỏi chi phí cao. Hãng Apple không tiết lộ họ đã sử dụng công nghệ nào cho iPhone.
Với phím cảm ứng, người dùng thường không cảm giác rõ ràng như khi ấn vào phím điện thoại thông thường. Một số chuyên gia nghiên cứu đang thử nghiệm màn hình có khả năng nhắc báo. Khi xuất hiện sự tiếp xúc, màn hình sẽ rung lên tùy thuộc vào sức nén của ngón tay. Han tin rằng công nghệ đó sẽ hữu ích trong bàn phím cảm ứng của Apple iPhone.
T.N. (theo TechReviews)