Ngày 15/11, con trai nạn nhân, họ Lý, ở thị trấn Thanh Nghĩa (thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên) đăng loạt video lên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc ôtô chạy vào sân được trải thảm đỏ, người thân và bạn bè chào đón hai bên đường. Khách khứa bước vào giữa tiếng pháo nổ, không khí tưng bừng như lễ hội.
"Nếu có cơ hội, tôi muốn nói chuyện với kẻ sát nhân. Không phải để trút giận mà để hiểu vì sao hắn lại đưa ra lựa chọn mang đến quá nhiều đau khổ cho hai gia đình. Nhưng vào ngày hắn được thả, tôi đã vấp phải sự khiêu khích trắng trợn và ác ý tột độ", Lý bày tỏ trong video.
Năm Lý 15 tuổi, bố anh bị hàng xóm thuê ba kẻ sát hại trong phòng ngủ, thi thể bị tẩm xăng đốt để tiêu hủy bằng chứng. Theo Lý, án mạng bắt nguồn từ tranh chấp giữa những người thân của bố Lý và kẻ chủ mưu. Khi bố Lý can thiệp vào vụ việc, kẻ chủ mưu ôm hận nên trả thù.
Lý chưa bao giờ nhìn thấy hài cốt của người bố 39 tuổi vì gia đình không muốn anh bị tổn thương. Sau đó, họ phải đối mặt với những lời đe dọa và theo dõi từ những kẻ giết người.
Trong số bốn người liên quan, hai người đã bị xử tử, trong khi kẻ chủ mưu và một người khác nhận án tử hình treo. Theo Luật Hình sự Trung Quốc, một người bị kết án tử hình treo có thể được giảm xuống tù chung thân nếu không phạm tội trong thời gian hai năm thử thách, sau đó được giảm xuống 25 năm tù nếu cải tạo tốt. Mức giảm tối thiểu không thể dưới 20 năm.
Ngày 14/11, khi biết tin kẻ sát nhân được trả tự do sau 20 năm ngồi tù và chuẩn bị tổ chức tiệc ăn mừng, Lý vội vã trở về quê nhà từ Thâm Quyến. Ngày hôm sau, kẻ bị kết án bày 18 bàn tiệc trước nhà Lý, cách chưa đầy 10 m.
Bất chấp yêu cầu dừng lại, bữa tiệc vẫn tiếp tục cho đến khi cảnh sát và quan chức địa phương can thiệp.
Ngày 20/11, đại diện chính quyền thị trấn Thanh Nghĩa xác nhận, khi nhận được trình báo của Lý, quan chức địa phương, cảnh sát và lãnh đạo thôn đã nhanh chóng can thiệp, khuyên can và giáo dục kẻ bị kết án cùng gia đình.
Hiện đôi bên đều bày tỏ không muốn xung đột nghiêm trọng hơn, không muốn mâu thuẫn kéo dài đến đời sau.
Luật sư Phó Kiến của Văn phòng luật Trạch Cẩn (tỉnh Hà Nam) cho hay, các phạm nhân đã ra tù có quyền sống bình thường và hòa nhập xã hội, hành động bày tiệc ăn mừng đơn thuần không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu hành vi tiệc tùng có dụng ý chủ quan cụ thể, như cố tình tổ chức trước cửa nhà nạn nhân, nhằm mục đích khoe khoang, khiêu khích, kích động nạn nhân và gia đình, gây đau khổ về tinh thần và áp lực về tâm lý, thì loại hành vi này có thể bị nghi ngờ là gây rối trật tự công cộng, cần được cơ quan tư pháp xác định căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Luật sư cho rằng cơ quan chức năng nên kịp thời hòa giải giữa hai bên để xoa dịu mâu thuẫn, tránh làm xung đột trở nên trầm trọng hơn. Cơ quan công an cần điều tra và đánh giá toàn diện xem có phạm tội gây rối hay không, nếu không cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt, phê bình giáo dục, bắt buộc xin lỗi, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển cho Viện kiểm sát truy tố.
Năm 2016, khi một trùm xã hội đen họ Trình ở tỉnh Sơn Tây được ra tù, gần trăm người đến trước cổng nhà tù xếp hàng đốt pháo chào mừng và mở tiệc. Năm 2017, Trình bị kết tội tụ tập đông người gây rối trật tự xã hội và bị tuyên án 5 năm tù, 13 người khác bị phạt từ một năm đến bốn năm rưỡi tù.
Tuệ Anh (Theo SCMP, CCTV)