Trong cuộc phỏng vấn trước trận trên Sky Sports, tiền vệ Phil Foden đã mắc một sai lầm, khi nhận định "Old Trafford là nơi đi dễ khó về". Bởi, từ đầu mùa đó không còn là pháo đài đối với Man Utd, khi Aston Villa hay Liverpool đã khắc tên họ lên đó.
Và sau trận đấu cuối tuần qua, "Nhà hát của những Giấc mơ" đã chứng kiến thất bại thứ tám của chủ nhà trong năm 2021 - điều chưa từng có xét trong một năm tính từ 1989. Chính "gã hàng xóm ồn ào" Man City nắm giữ nhiều chiến thắng nhất tại thánh địa của Man Utd. Và 21% thất bại trên sân nhà của Man Utd trong lịch sử Ngoại hạng Anh diễn ra dưới kỷ nguyên của Ole Gunnar Solskjaer.
"Man Utd là đội bóng lớn nhất thế giới" là tuyên bố của HLV người Na Uy trước trận. Không bàn đến tính đúng đắn của phát ngôn ấy, chỉ biết rằng riêng ở Manchester, đội bóng của Solskjaer đang phải đuổi theo cái bóng của nửa xanh. Dễ dàng chỉ ra điều đó, khi dựa vào các thống kê.
Pep Guardiola đã không dùng đến bất kỳ sự thay đổi người nào, vì như ông nói sau trận, thế trận trên sân quá thoải mái với Man City. Tỷ lệ cầm bóng của họ lên tới 68%, và số đường chuyền nhiều hơn gấp đôi chủ nhà. Ngoại trừ cặp trung vệ Harry Maguire và Victor Lindelof, những cầu thủ còn lại của Man Utd đều chuyền bóng ít hơn bất kỳ cầu thủ nào (trừ thủ môn Ederson) bên phía Man City. Số lần các cầu thủ Man Utd chạm bóng trong vòng cấm đối phương ít hơn số lần dứt điểm trúng đích của đội khách. Và số lần các cầu thủ chủ nhà dứt điểm trúng khung thành Ederson còn ít hơn số lần họ đưa bóng... trúng khung thành De Gea.
Thất bại trước Liverpool ở vòng 9 đã chỉ ra hệ thống 4-2-3-1 của Solskjaer có quá nhiều vấn đề và họ không biết cách pressing. Thậm chí, chính những nỗ lực gây áp lực đơn lẻ của các cá nhân càng khiến cấu trúc của Man Utd bị xiêu vẹo. Từ đó, HLV người Na Uy tức tốc chuyển sang hệ thống hàng thủ ba trung vệ và thắp lên hy vọng bằng chiến thắng trước Tottenham. Trên kênh Sky Sports, cựu hậu vệ Gary Neville nói sau trận đấu trên sân Tottenham Hotspur rằng đội bóng cũ của ông có nền tảng để chơi với hệ thống ba trung vệ đó. Nhưng có lẽ, cái nền ấy được xây trên cát.
Chiến thắng trước một tập thể bấy giờ đã rệu rã như Tottenham không nói lên quá nhiều ý nghĩa, thậm chí còn là một bước lùi. Đấy không khác gì sự thừa nhận của chính tập thể Man Utd rằng họ không thể và không biết cách pressing hiệu quả, đồng thời không phải là một đội giỏi kiểm soát bóng. Man Utd chấp nhận và họ trở lại với lối chơi phòng ngự phản công.
Trước Tottenham, Man Utd đã phải đánh đổi. Họ đánh đổi sự dàn trải quân số theo chiều ngang sân để có được một cự ly chặt chẽ và hẹp theo chiều dọc. Đơn cử như hình ảnh dưới đây - tình huống trước khi dẫn tới bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Edison Cavani. Khoảng cách giữa Cristiano Ronaldo và hàng thủ được thu hẹp chỉ trong phạm vi một phần tư chiều dài sân. Nhưng đồng thời để lộ khoảng trống lớn bên hành lang cánh đối diện với quả bóng. Trước những đối thủ giỏi chuyển hướng tấn công, họ có thể dễ dàng lật cánh, mở ra các phương án lên bóng trước Man Utd.
Trước Man City, Solskjaer tiếp tục sử dụng hệ thống hàng thủ ba trung vệ. Điều này không mới. Hồi tháng 3/2020, khi đánh bại Man City 2-0 trên sân nhà, Solskjaer cũng sử dụng hệ thống hàng thủ ba người với Luke Shaw được bố trí đá trung vệ lệch trái, Brandon Williams và Wan-Bissaka lần lượt là các wingback trái và phải trong sơ đồ 3-5-2 hay 3-4-1-2 bấy giờ. Song, cách tiếp cận trận đấu hôm đó của "Quỷ đỏ" là chấp nhận mạo hiểm và liều lĩnh chơi một-kèm-một.
Lần này thì ngược lại hoàn toàn. Hệ thống 5-3-1-1 hay 5-3-2 khi phòng ngự được Solskjaer áp dụng trong xuyên suốt hiệp một, với bộ ba tiền vệ là Fred, McTominay và Bruno Fernandes. Mason Greenwood đá sau lưng Ronaldo trên hàng công.
Man Utd vẫn tìm cách duy trì khối đội hình thấp với cự ly hẹp giữa hàng công và hàng thủ. Ưu điểm của hệ thống 5-3-2 này là buộc đối thủ phải đẩy bóng ra biên, khi những không gian trống trải duy nhất mà đối thủ có được chính là hai bên hông bộ ba tiền vệ. Nhưng với Man City, những khoảng trống đó, vốn là vùng không gian từ hành lang trong kéo dài ra sát đường biên dọc ở hai cánh trở thành miền đất hứa đối với họ.
Guardiola có những cầu thủ giỏi khai thác những khoảng trống đó, như Kevin De Bruyne, Bernardo Silva và cả cặp hậu vệ cánh Kyle Walker cùng Joao Cancelo. Việc HLV người Tây Ban Nha thường xếp các hậu vệ biên bó vào trong đã không còn là điều lạ lẫm. Và trước Man Utd, Cancelo – người đang trở thành chân làm bóng siêu đẳng của Man City – đã thật sự được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, từ một thứ được xem là ưu điểm của đối thủ trong hệ thống 5-3-2, Man City biến nó trở thành ưu điểm của chính họ và là nhược điểm của Man Utd.
Đồng thời, có thể hình dung rằng cách lựa chọn 5-3-2 của Man Utd mang đến một sự bắt cặp, "soi gương" hệ thống 4-3-3 của Man City, khi ba trung vệ chủ nhà sẽ kèm ba cầu thủ trên hàng công đội khách, ba tiền vệ theo kèm ba tiền vệ đối thủ, hai wingback là Shaw và Wan-Bissaka có thể dâng lên gây áp lực với cặp hậu vệ cánh Walker và Cancelo. Nhưng đấy chỉ là lý thuyết.
Sự cơ động trong di chuyển của City đặt các cầu thủ áo đỏ vào một cái tủ lạnh, và họ bị "đóng băng" hoàn toàn – như chính lời miêu tả sau trận của Pep. Những đội bóng tấn công hàng đầu châu Âu như Man City, Bayern Munich hay Ajax luôn chủ trương bố trí rất đông cầu thủ trên hàng công theo chiều ngang sân, thường từ năm đến sáu cầu thủ ở khoảng trống giữa hai tuyến (tức là sau lưng hàng tiền vệ và trước mặt hàng thủ), hòng kéo dãn hết mức khối phòng ngự của đối phương. Cách dàn quân như thế còn là để mở ra các điểm chuyền bóng đa dạng cho những cầu thủ làm bóng ở tuyến dưới của City, tạo thành một làn sóng tấn công đâm vào những khe giữa các hậu vệ đối phương và di chuyển đón bóng sau lưng hàng thủ.
Riêng trước Man Utd, những Phil Foden và Gabriel Jesus, vốn được Pep chỉ đạo dâng cao bám biên, càng ghì hàng thủ năm người của chủ nhà xuống thấp. Đó cũng là lý do vì sao HLV người Tây Ban Nha không lựa chọn Jack Grealish trận này. Pep nói sau trận rằng ông muốn "một cầu thủ thuận chân trái bám biên trái, một cầu thủ thuận chân phải bám biên phải", tức là Foden và Jesus đá đúng kèo. Sự hiện diện của hai cầu thủ tấn công này ép phẳng hoàn toàn hàng thủ năm người của Man Utd, thế nên Wan-Bissaka hay Shaw dù có muốn cũng không thể dám dâng lên gây áp lực với cầu thủ cầm bóng của đối phương. Cancelo vì vậy có được sự tự do tuyệt đối.
Với một hậu vệ cánh sáng tạo là Cancelo và ngòi nổ Phil Foden, City dễ dàng tấn công và khoét vào cánh phải của Wan-Bissaka. 42% các đợt lên bóng tấn công của đội khách là cánh này. Rất thường xuyên, Wan-Bissaka rơi vào cảnh một đấu hai trước Cancelo và Foden. Có những lúc, cầu thủ này rất muốn bước lên bắt lấy hậu vệ người Bồ Đào Nha, nhưng bên hông và sau lưng anh luôn có Foden.
Sự bị động từ hệ thống đến các vị trí của Man Utd còn được nhìn thấy ở các pha bóng hai. Vì luôn chú trọng đá thấp và đổ đông quân số hết mức trước và trong vòng cấm, chủ nhà không có đủ người để tranh chấp bóng hai. Cứ sau những tình huống bóng cố định (chủ yếu là phạt góc) hoặc các quả tạt mà City thực hiện, bóng kể cả được chủ nhà phá ra, nhưng ngay lập tức đội khách đoạt lại nhờ luôn có sẵn người.
Có lẽ, khi lựa chọn kế hoạch trước Man City, Solskjaer đã hy vọng tìm kiếm một trận hòa. Ông hy vọng một hàng thủ đông quân số sẽ giúp đội bóng giữ sạch lưới. Nhưng tại sao lại có thể hy vọng điều đó khi Man Utd mùa này mới chỉ đúng hia trận giữ sạch lưới, còn Eric Bailly – người đá phản lưới nhà – lần đầu tiên ra sân ở Ngoại hạng Anh mùa này?
Không có chiến thuật pressing, hàng thủ bị ép sâu, không đủ người tranh chấp bóng hai, lại càng không biết cách thoát áp lực lên bóng trước một cỗ máy pressing hiệu quả bậc nhất châu Âu như Man City, Man Utd hầu như không có bóng để phản công? Cái vòng lặp Man City có bóng tấn công, Man Utd phá ra, bóng lại quay về Man City cứ thế cứ thế diễn ra đều đặn.
Cách khẳng định uy quyền và đe nẹt trước đối thủ chính là cứ sau mỗi lần mất bóng là lập tức vây ráp, áp chế để giành lại quyền kiểm soát bóng ngay trên phần sân của họ. Man City của Pep đã làm như thế. Trong hiệp một, họ đoạt lại bóng ở khu vực một phần ba sân đối phương đến chín lần. Đội duy nhất còn lại trong mùa giải này làm được điều đó là Southampton hồi tháng 8, cũng trước chính Man Utd.
Vì vậy, cả trận, Man Utd chỉ có đúng bốn lần chạm bóng trong vòng cấm của Man City, con số thấp nhất của họ trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Trong bốn lần đó, hai lần là từ các pha bóng cố định, hai lần còn lại là các tình huống liên tiếp ở phút 26 gồm pha bắt bóng dứt điểm của Ronaldo và cú chạm bóng hụt cận thành của Greenwood sau khi bị Ederson đẩy ra. Tình huống nguy hiểm ấy mà Ronaldo và các đồng đội có được trong cả trận bắt nguồn từ chuỗi chuyền bóng, duy trì quyền kiểm soát gần vòng cấm City duy nhất của chủ nhà. Tính từ khi Opta bắt đầu thu thập dữ liệu thống kê trận đấu vào mùa 2003-2004, Man Utd chưa bao giờ để đối thủ chuyền bóng nhiều như thế tại Ngoại hạng Anh.
Man City thiếu một trung phong trên hàng công, nhưng Pep có rất nhiều số 9 ảo, rất nhiều mũi tấn công có thể xâm nhập vòng cấm của đối phương. Điều quan trọng là cứ tạo ra cơ hội thật nhiều, kiểu gì những cầu thủ không phải tiền đạo của họ cũng sẽ ghi bàn. Và miếng đánh chủ đạo nhất của đội khách trong hiệp một tại Old Trafford chính là những tình huống tạt bóng hoặc rót bóng ra sau lưng hàng thủ Man Utd. Từ sự lựa chọn đội hình lùi sâu, với hàng thủ bị kéo phẳng ra của Man Utd, Man City chủ trương dàn quân thật đông đánh chiếm vòng 16m50. Những chân tạt của họ lại có quá nhiều không gian và thời gian để thực hiện đường chuyền. Càng đông quân số trong vòng cấm, càng có nhiều lựa chọn cho các chân tạt và cơ hội dứt điểm vì thế cũng tăng lên.
Chuyện ghi được bàn với City chỉ là vấn đề thời gian. Bởi một khi các cá nhân phòng ngự của Man Utd cứ liên tục rơi vào những tình huống bị đối thủ tìm cách di chuyển cắt mặt hoặc từ sau lưng để đón bóng như thế này ngay trong vòng cấm, họ luôn ở thế bất lợi trong việc truy cản.
Cả hai bàn thua của Man Utd đều từ những miếng đánh đã nhìn thấy trước của Man City, kết hợp cùng sự non nớt và ngây thơ trong khâu phòng ngự của chủ nhà. Bàn đầu tiên bắt nguồn từ chính một pha tấn công điển hình của City như đã nêu, khi bốn cầu thủ áo xanh xâm nhập vòng cấm sẵn sàng đón quả tạt và thực tế Gundogan đã dứt điểm suýt thành bàn.
Sau pha cản phá của De Gea và cú phá bóng của Lindelof, City đoạt bóng hai dễ dàng. Bóng tìm tới vị trí của Cancelo ở vùng không gian trống trải quen thuộc.
Cancelo thong dong cầm bóng hướng ra biên trái. Lúc này, Bruno di chuyển theo, cho thấy dấu hiệu anh sẽ là người ngăn cản cầu thủ đồng hương. Song, tiền vệ người Bồ Đào Nhachỉ theo cho có, bởi một cự ly xa như thế này thì chẳng thể ngăn cản được gì.Cancelo cứ thế thoải mái, rảnh chân ngắm nghía và tung ra quả tạt. Bên trong vòng cấm, bốn đồng đội của anh sẵn sàng tạo ra điểm cắt cho quả tạt đó, dù cuối cùng, chính Eric Bailly là người chạm bóng để giúp City mở tỷ số.
Nếu xem kỹ ở góc máy quay này, chúng ta có thể nhìn thấy cả một "đại lộ mời gọi" mà hàng thủ Man Utd trao cho Cancelo. Những thứ cơ bản nhất trong phòng ngự ở tình huống này không hề tồn tại: từ việc ngăn cản đối phương tạt bóng, cho đến ngăn cản đường tạt bóng. Bailly đốt lưới, nhưng anh chỉ là một phần trong sự tồi tệ của cả hệ thống.
Còn đây là tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của City. Vẫn một khối đội hình thấp của Man Utd, vẫn một Cancelo ở vùng lãnh thổ của riêng anh. Có lẽ, quán tính vị trí mà các cầu thủ áo đỏ được yêu cầu khiến họ quên đi thực tế nguy hiểm nằm ở đâu trên sân. Wan-Bissaka đứng có tụ cho vui trong vòng cấm. Đến khi nhận thấy Silva sẽ chuyền cho Cancelo, cựu cầu thủ của Crystal Palace mới di chuyển tới. Nhưng cũng như Bruno ở bàn thua đầu tiên, Wan-Bissaka cũng chỉ theo kèm người cho có lệ, cự ly mà anh duy trì với Cancelo là quá xa và việc đứng chặn trước mặt như vậy chẳng giải quyết được gì.
Cancelo một lần nữa có đủ không gian, tầm nhìn và thời gian để thực hiện quả treo bóng vào vòng cấm. Trong vòng cấm, tiếp tục là bốn cầu thủ City sẵn sàng di chuyển băng vào đón bóng. Mọi thứ phản ánh đúng trình tự bài vở của đội khách, cùng trình tự yếu kém của chủ nhà. Những Bruno Fernandes và Wan-Bissaka trong các pha phòng ngự hay tham gia phòng ngự đều không biết cần phải làm gì.
Những sai lầm và khó hiểu còn diễn ra sau quả tạt của Cancelo. De Gea và Shaw đã không hiểu ý và liên lạc tốt với nhau trước một điểm rơi quả bóng đầy lấp lửng và nan giải của Cancelo. Việc thủ môn người Tây Ban Nha vốn không có phong cách băng ra đấm bóng hoặc cản phá là chuyện đã đành, nhưng không hiểu vì sao Luke Shaw lại bỏ bóng trong một khoảnh khắc như thế ? Dường như anh không hoàn toàn ý thức được rằng sau lưng là Bernardo Silva đang di chuyển.
Bước sang hiệp thi đấu thứ hai, Solskjaer trở lại bài cũ, như những gì ông từng làm trước Atalanta, đó là từ bỏ hệ thống 3-5-2 và quay về với 4-2-3-1, hay 4-4-2 khi phòng ngự. Đấy tiếp tục là sự thừa nhận về trình độ yếu kém trong việc vạch ra hệ thống và kế hoạch cho trận đấu. Ý tưởng đơn giản có lẽ là lấp đi những khoảng trống đã được Cancelo khai thác trong hiệp một, tức là tránh để thủng lưới thêm và trông chờ vào những phép màu tỏa sáng của Ronaldo.
Tuy nhiên, ngay cả khi Man City không còn thiết tha với việc tấn công để ghi bàn, thầy trò Guardiola đã mang đến cho đội chủ nhà một bài học và ý niệm về ma trận di chuyển, phối hợp và kiểm soát bóng bậc thầy là thế nào, với những sự hoán đổi vị trí linh hoạt của Kevin De Bruyne, Bernardo Silva và Kyle Walker. Có cảm giác, mọi vị trí trên sân của City đều có thể trở thành những tiền vệ làm công việc luân chuyển bóng.
De Bruyne, Silva và Walker trong hiệp hai hoạt động thường xuyên hơn ở khu vực trung lộ trên phần sân đối phương, trong bối cảnh Man Utd tìm cách dàn trải quân theo chiều ngang sân, thay vì co cụm ở trung lộ và để hở biên như hiệp một.
Silva tiếp tục cho thấy anh là một cầu thủ "2 trong 1" mà Guardiola sở hữu ở mùa này, với tầm hoạt động bao sân, từ một số 6 bên cạnh Rodri, cho đến một số 8 cầm bóng tấn công; từ làm công tác sáng tạo, cho đến vai trò của một công nhân. Cả trận, bên phía City, không một cầu thủ nào phạm lỗi nhiều như Silva, cũng không một cầu thủ nào trên sân di chuyển quãng đường nhiều như anh (12,51km).
Số đường chuyền trong hiệp 2 của Man City là 427, trong khi cả trận Man Utd chỉ chuyền 389 lần. Tính trung bình trong tám mùa đã qua ở Ngoại hạng Anh kể từ lần gần nhất Man Utd vô địch nước Anh, đội bóng đăng quang giải đấu chỉ để thua đúng bốn trận cả mùa. Giờ, thầy trò Solskjaer đã thua bốn trận sau 11 vòng đầu tiên. Họ không những đang bị bỏ lại trong cuộc đua ấy, mà còn trở thành một đội bóng tụt dần xuống giữa bảng điểm.
Như vết xước măng rô, ai cũng biết Man Utd cần phải làm gì, nhưng có vẻ đội chủ sân Old Trafford không dám và không biết cắt sao cho sạch sẽ, gọn gàng.
Hoàng Thông