Ngày 26/2/2023, Man Utd đoạt danh hiệu đầu tiên dưới thời HLV Erik ten Hag là Cup Liên đoàn Anh sau sáu năm, và vài cựu cầu thủ của họ bắt đầu nhắc tới "cú ăn bốn".
Trong cuộc họp báo hôm sau, khi được hỏi liệu có phải Man Utd đã trở lại, Guardiola nói với một nụ cười bí hiểm: "Đúng thế, nếu họ chi thêm ít tiền nữa. Vì lâu nay họ chưa chi đồng nào đúng không?".
Trong bảy năm Guardiola làm việc ở Man City, đội bóng này nhiều lần bị gán mác "dùng tiền mua danh hiệu". Bởi ở hai mùa đầu tiên, họ chi tới 582 triệu USD để mua cầu thủ, nhiều nhất châu Âu trong cùng giai đoạn. Tháng 1/2018, cựu hậu vệ Man Utd Gary Neville viết trên Twitter: "Man City chi hơn các đội khác 100 triệu nhưng họ vẫn phàn nàn không có tiền là sao?". Khi Man City vuột danh hiệu Ngoại hạng Anh vào tay Liverpool mùa 2019-2020, Neville nói: "Họ sẽ phải tiêu thêm tiền trong hè".
Mức chi tiêu cho chuyển nhượng cầu thủ của Man City có xu hướng giảm kể từ mùa thứ ba của Guardiola. Ở bốn trong năm mùa gần đây, họ đều mua cầu thủ bằng ít tiền hơn Man Utd. Tham vọng "ăn bốn" của Man Utd tan biến, còn mục tiêu "ăn ba" của Man Cỉty trở thành hiện thực. Đó là lý do HLV người Tây Ban Nha ám chỉ CLB hàng xóm cũng "dùng tiền mua danh hiệu".
Trong bảy năm qua, Man City chi tiêu chuyển nhượng nhiều thứ tư châu Âu, sau Chelsea, Barca và Juventus, còn Man Utd đứng thứ năm. Những thông số trên có thể đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác, chẳng hạn như việc Juventus và Barca thao túng phí chuyển nhượng vụ trao đổi Miralem Pjanic và Arthur Melo khiến các con số bị đội lên. Nhưng biểu đồ trên cũng cho thấy được các đội đã chi nhiều tiền thế nào để nâng cấp đội hình.
Một chỉ số khác đánh giá tính hiệu quả vận hành của đội bóng là chi tiêu chuyển nhượng ròng, tức là lấy tiền chi mua cầu thủ trừ nguồn thu từ việc bán cầu thủ. Bởi sẽ bất công cho các đội bóng vì không phải lúc nào họ cũng lỗ từ chuyển nhượng cầu thủ. Chẳng hạn Man City chiêu mộ tiền đạo Ferran Torres với giá 36,5 triệu USD năm 2020, rồi bán lại cho Barca với 60 triệu USD sau đó một năm, lãi 23,5 triệu USD.
Trong top 10 CLB châu Âu theo chỉ số UEFA sau mùa 2022-2023, chỉ Real Madrid có lãi từ chuyển nhượng cầu thủ, với 17 triệu USD. Chín đội còn lại đều lỗ, nặng nhất là Man Utd với 975 triệu USD. Bởi họ tốn 1,268 tỷ USD mua cầu thủ, nhưng chỉ thu về 293 triệu USD tiền bán.
Theo chi tiêu ròng, Man City tốn nhiều tiền thứ ba châu Âu sau Man Utd và Chelsea. Họ chi 1,354 tỷ USD, thu về 627 triệu USD, lỗ 727 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là liệu khoản lỗ 727 triệu USD từ chuyển nhượng có đáng không, với Man City?
Simon Jordan là ông chủ cũ của CLB Crystal Palace ở Ngoại hạng Anh, và ông đề cao tính hiệu quả, hơn các con số doanh thu, lợi nhuận thuần túy. Trước mùa 2022-2023, Jordan nói rằng Liverpool làm bóng đá hiệu quả hơn Man City. "Một đội chi 100 triệu USD sẽ phải gặt hái thành công trên sân cỏ gấp năm lần đội tiêu 20 triệu USD", ông giải thích. "Guardiola được chi 126 triệu USD, còn Klopp chỉ có ngân sách 35 triệu USD, nhưng Man City và Liverpool vẫn ngang tài ngang sức".
Jordan có lý, nhưng cú ăn ba của Man City mùa 2022-2023 có thể khiến ông thay đổi quan điểm. Ít nhất Neville cũng đã nghĩ khác về đội bóng này. "Thành công của Guardiola không đến chỉ vì tiền", cựu danh thủ Man Utd nói. "Năm năm qua, nhiều đội khác đã chi đậm hơn Man City. Nên thành công của họ nhờ vào khả năng của thầy trò Guardiola".
Nếu xét tỷ lệ chi tiêu chuyển nhượng ròng trên mỗi danh hiệu đội giành được, Man City chỉ đứng thứ sáu trên 10 CLB hàng đầu châu Âu. Khoản lỗ 727 triệu USD giúp họ giành 14 danh hiệu, trung bình 52 triệu USD cho một danh hiệu, ít hơn Man Utd, Chelsea, Roma, Barca và Juventus.
Biểu đồ trên cho thấy Man Utd và Chelsea thiếu hiệu quả ra sao, khi "Quỷ Đỏ" tốn 195 triệu USD cho một danh hiệu, trong đó không có Ngoại hạng Anh hay Champions League. Còn Chelsea cũng tiêu 146 triệu USD cho một danh hiệu, nhưng có cả Ngoại hạng Anh lẫn Champions League giai đoạn này.
Real hoạt động hiệu quả nhất trong Top 10 CLB châu Âu. Họ lãi 17 triệu USD chuyển nhượng, và đoạt 17 danh hiệu trong bảy năm qua. Số danh hiệu của họ chỉ ít hơn PSG và Bayern, nhưng trong đó có tới ba Champions League. Dù vậy, đội bóng của Florentino Perez đang ở giai đoạn chuyển giao và có thể phải vung nhiều tiền hơn trong vài năm tới.
Trung bình một CLB top 10 châu Âu tốn 43 triệu USD chi tiêu chuyển nhượng ròng cho một danh hiệu, tức là Man City cũng xấp xỉ mức này. Tân vương Champions League không phải đội hoạt động hiệu quả nhất châu Âu, nhưng cũng không thể coi họ dùng tiền mua danh hiệu.
Xuân Bình