Trong sự nghiệp huấn luyện, Guardiola đã xây dựng phong cách rất cụ thể với trọng tâm là kiểm soát bóng, di chuyển, ban bật nhằm kéo giãn hàng phòng ngự đối phương rồi chọc khe, khai thác khoảng trống. Những trung phong to lớn được cho không thực sự phù hợp với lối chơi này của Guardiola, mà ví dụ rõ ràng nhất là Zlatan Ibrahimovic tại Barca.
Haaland, cao 1,95 m, là mẫu tiền đạo thích đá cao, ngang với hậu vệ đối thủ chơi thấp nhất và tìm kiếm cơ hội khai thác khoảng trống phía sau hàng phòng ngự đối phương. Về lý thuyết, một tiền đạo như thế không phù hợp với cách đá của Man City dưới thời Guardiola. Nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại.
Tính trên mọi đấu trường mùa này, Haaland đã đá chín trận - gồm sáu ở Ngoại hạng Anh, hai ở Champions League và trận Siêu Cup Anh, ghi 13 bàn - trong đó có hai hat-trick - và kiến tạo một. Anh còn đạt hiệu suất hiếm thấy, với chỉ 177 lần chạm bóng, dứt điểm 32 cú, trong đó có 19 trúng đích.
Man City tấn công thế nào mùa trước?
Ban đầu Guardiola không nhắm Haaland thế chỗ Sergio Aguero sau khi tiền đạo người Argentina hết hợp đồng cuối mùa 2020-2021. Hè năm ngoái, mục tiêu chuyển nhượng hàng đầu của Man City là thủ quân Tottenham và tuyển Anh, Harry Kane. Trong lần đàm phán cuối cùng, đội chủ sân Etihad đã sẵn sàng trả 176 triệu USD, nhưng Chủ tịch Tottenham Daniel Levy từ chối. Theo chuyên gia săn tin chuyển nhượng Fabrizio Romano, Levy muốn 206 triệu USD.
Điều này phần nào cho thấy Man City muốn chuyển sang lối chơi tấn công có cấu trúc hơn với một tiền đạo mục tiêu. Dù không chiêu mộ được Kane, Man City vẫn vô địch Ngoại hạng Anh mà không cần trung phong cắm đích thực. Phil Foden, Raheem Sterling, Bernardo Silva và Gabriel Jesus luân phiên nhau đá cao nhất trên hàng công trong hệ thống 4-3-3 ưa thích của Guardiola.
Chính việc không có tiền đạo cắm lại khiến lối chơi tấn công của Man City trở nên hiệu quả và nguy hiểm. Mùa trước, các học trò của Guardiola liên tục di chuyển và hoán đổi vị trí khi kiểm soát bóng và tấn công. Điều này khiến các trung vệ đối phương gặp khó trong việc theo kèm, vì như cựu danh thủ Rio Ferdinand từng nói rằng các trung vệ muốn được giao nhiệm vụ theo kèm một cầu thủ cụ thể.
Khi các cầu thủ liên tục di chuyển và hoán đổi vị trí, Man City vẫn duy trì các nguyên tắc tấn công còn lại vốn quen thuộc với một CLB được Guardiola huấn luyện. Trong nhiều tình huống khi tạo dựng thế trận nửa sân, Man City sẽ dồn bóng sang một cánh, liên tục chạy chỗ, khai thác khoảng trống để phá bẫy việt vị và thoát xuống sát đường biên ngang.
Khả năng hòa nhập của Haaland
Theo Sunsport, Man City chiêu mộ Haaland vì khả năng làm bàn cùng mức giá hời - chỉ 63 triệu USD, và cả vì không để đối thủ sở hữu tiền đạo Na Uy.
Trong quá khứ, Guardiola từng sở hữu tiền đạo có phong cách và tầm vóc như Haaland, khi Barca chiêu mộ Ibrahimovic năm 2009. Tiền đạo Thụy Điển có nền tảng kỹ thuật để chơi theo phong cách kiểm soát bóng của Guardiola. Nhưng thương vụ này kết thúc trong thảm họa khi Ibrahimovic tố ông thầy Tây Ban Nha hèn nhát, làm mọi thứ theo ý Lionel Messi rồi trở lại AC Milan chỉ sau một mùa.
Haaland là mẫu tiền đạo cắm truyền thống. Anh tất nhiên cũng có thể lùi sâu phối hợp, nhưng thường chỉ làm vậy để đập nhả, hút đối phương dâng cao rồi bứt phá về phía vòng cấm. Vì thế, dù thể hiện phong độ làm bàn ấn tượng trong màu áo Dortmund, RB Salzburg hay tuyển Na Uy, Haaland vẫn bị nghi ngờ về khả năng hòa nhập tại sân Etihad.
Nhưng chính phong cách của Haaland lại giúp Man City kiểm soát bóng tốt hơn. Khác với mùa trước, các đối thủ phải tính toán, cắt cử người theo kèm và đề phòng những pha chạy chỗ của Haaland khi đụng Man City. Điều này đồng nghĩa với việc các hậu vệ đối phương phải lùi sâu hơn để hạn chế khoảng trống, giúp hàng tiền vệ của Man City có nhiều đất diễn hơn.
Các hậu vệ cánh, đặc biệt là Joao Cancelo, cũng có thể dâng cao và thậm chí bó vào trung lộ để chiếm các khoảng trống cùng hàng tiền vệ. Nhờ đó, ngay sau khi mất bóng, Man City có thể lập tức gây áp lực để giành lại quyền kiểm soát.
Man City không đổi lối chơi vì Haaland
Một trong những giả thiết được đặt ra khi Man City tuyển mộ Haaland, là cách Guardiola thay đổi lối chơi, sử dụng hiệu quả những quả tạt vào vòng cấm khai thác hết điểm mạnh của tiền đạo 22 tuổi.
Nhưng thực tế, Man City vẫn giữ nguyên lối chơi, và chỉ tạt bóng nhiều như mùa trước. Nói cách khác, những quả tạt nằm trong phong cách tấn công của Man City, bởi các đối thủ của họ luôn lùi sâu và bịt những khoảng trống xung quanh vòng cấm. Man City kiểm soát bóng ở phần sân đối phương nhiều hơn bất kỳ CLB nào khác tại Ngoại hạng Anh, và vì thế, họ cũng sẽ thực hiện nhiều quả tạt hơn.
Với Haaland, Man City có người giải quyết những pha bóng này. Từ đầu mùa, tiền đạo Na Uy luôn phán đoán tốt điểm rơi tùy thuộc từng tình huống và người thực hiện quả tạt, để chọn vị trí và dứt điểm trong thế trống trải. Trong 13 bàn được ghi mùa này, có tới 12 bàn anh chỉ cần một chạm dứt điểm để lập công cho Man City. Bàn còn lại cũng đến trong vòng cấm, khi anh càn lướt, đè mặt hậu vệ đối phương rồi kết thúc cận thành trong trận thắng Crystal Palace 4-2.
Sự linh hoạt và dẻo dai cũng giúp Haaland có thể ghi bàn từ nhiều vị trí và góc độ khác nhau. Ở pha lập công gần nhất trong trận thắng Dortmund 2-1 ở Champions League, anh tung người song phi đạp bóng từ khoảng 5 mét, hạ thủ thành Alexander Meyer. "Haaland là cơn ác mộng đối với các cầu thủ phòng ngự", Sunsport bình luận.
Có thể thấy, Man City không thay đổi lối chơi vì Haaland, và ngược lại. Việc ký hợp đồng với Haaland giúp Guardiola hoàn thiện hơn lối chơi, và sự có mặt của tiền đạo Na Uy trong vòng cấm cũng giúp những đường bóng của Man City có đích đến rõ ràng và hiệu quả hơn.
"Liệu Haaland có thể phá vỡ mọi kỷ lục ghi bàn? Không ai biết được điều đó, nhưng bây giờ, đó là một viễn cảnh đáng sợ", Sunsport bình luận thêm. Trong khi đó, Haaland đặt ra mục tiêu rất rõ ràng - cải thiện hơn nữa hiệu suất làm bàn vốn đã đáng sợ hiện tại với 13,6 cú chạm để ghi một bàn. "Tôi mơ ước gì ư? Mỗi cú chạm bóng là ghi một bàn", anh nói sau trận thắng Dortmund.
Hồng Duy