Thu Hoài, 33 tuổi, sống tại TP Hải Phòng hiện làm kinh doanh tại gia. Hai năm trước vì thích bát đĩa gốm sứ Nhật nên tìm mua để bày biện rồi yêu thích nấu nướng lúc nào không hay.
"Gốm sứ là động cơ để tôi vào bếp nhưng càng nấu càng đam mê bởi nhận ra bữa cơm gia đình chính là sợi dây gắn kết mọi thành viên", Hoài nói.
Trước đây, vì công việc bận rộn nên mỗi tuần Thu Hoài chỉ vào bếp khoảng ba lần, nhưng gần đây cô nấu nướng hàng ngày, đặc biệt chú trọng vào bữa tối khi đầy đủ các thành viên. Để có được những bữa cơm ngon lành, đầy đủ dưỡng chất, Hoài tham khảo từ mẹ, một người am hiểu ẩm thực. Cô cũng tự mày mò học hỏi trên mạng xã hội từ nhiều nghệ nhân hay đầu bếp nổi tiếng.
Thực đơn mỗi ngày được bà mẹ hai con nấu theo khẩu vị của các thành viên. Hoài sẽ mua và lên thực đơn theo nguyên liệu được chọn, tùy theo hôm đó có thực phẩm gì tươi ngon. Vì thích nấu nướng, người phụ nữ này luôn chế biến những món ăn hợp khẩu vị của cả nhà mà không sợ trùng lặp các món trong tuần, thậm chí trong tháng.
"Chồng tôi thích ăn ở nhà và lũ trẻ mê cơm mẹ nấu nên tôi xoay vòng món ăn phù hợp với các mùa trong năm", Hoài chia sẻ.
Người phụ nữ này không dự toán chi phí mỗi bữa cơm nhưng dao động từ 150.000-250.000 đồng. Vì có định lượng về khẩu phần và sức ăn nên có thể cân đối chi tiêu. Mỗi bữa Hoài sẽ dành 45-60 phút để sơ chế và nấu nướng. Việc sơ chế sẵn nguyên liệu cũng tiết kiệm được thời gian vào bếp. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị gia dụng như máy xay đa năng, nồi áp suất hay nồi chiên không dầu cũng khiến thời gian nấu nướng trở nên nhanh gọn hơn.
Theo Thu Hoài, việc lựa chọn thực phẩm sẽ quyết định thành công hay thất bại của bữa ăn. Món ăn được nấu từ thực phẩm tươi, sạch đã thành công tới 70-80%, còn lại do sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của người nấu.
Là bà mẹ của hai bé 11 và 9 tuổi nên Hoài chú trọng đến việc thay đổi thực đơn mỗi ngày, không trùng lặp để tạo sự hứng khởi mỗi khi đến giờ cơm. Mâm cơm của gia đình thường có ba-bốn món, gồm mặn, xào, rau củ luộc và trái cây tráng miệng. Cô cũng hạn chế các món xào gây ngấy và tăng cường món canh chua, rau củ luộc để cân bằng dinh dưỡng.
Ngoài ra, để giúp các con hứng thú với việc ăn uống, người mẹ này đề cao sự đa dạng thực phẩm và bày biện bắt mắt về cả màu sắc lẫn hình dáng. Để được vậy, sau khi nấu, cô thường dành 5-10 phút trang trí mâm cơm của mình.
"Tôi luôn trình bày các món sao cho chồng con nhìn đã thèm ăn. Dù chỉ là đĩa rau xào, rau luộc cũng có thể biến thành một bức tranh sinh động đẹp mắt", Hoài nói.
Mâm cơm của người phụ nữ này cũng bày biện đủ các loại chén đĩa gốm Nhật có hình dáng khác nhau từ hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, lục giác, bát giác... tạo sự sinh động. Thậm chí trong nhiều dịp, bộ đồ ăn được lựa chọn còn phản ánh thiên nhiên theo mùa. Như bát đĩa dùng trong mùa đông có thể mang các sắc đỏ khác nhau tượng trưng cho "nhiệt", mùa hè lại chọn màu sắc tươi sáng, tạo cảm giác dịu mát.
Chính sự bày biện tinh tế khiến cho mâm cơm của bà mẹ hai con trở nên hấp dẫn, kích thích thị giác. Khi chia sẻ lên mạng xã hội, cô nhận được nhiều lời khen cũng như được đánh giá "đẹp như tranh vẽ" của mọi người.
Thu Hoài chưa khi nào suy nghĩ nấu nướng sẽ mất thời gian hay phiền phức bởi thỏa mãn được đam mê sáng tạo cũng như khiến vợ chồng, con cái gần gũi nhau hơn.
"Đây là khoảng thời gian hiếm hoi mọi người gặp gỡ và chia sẻ việc nhà với nhau. Cùng nấu nướng, cùng tận hưởng những món ăn ngon khiến chúng tôi hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn", cô nói.
Trang Vy
Ảnh: Nhân vật cung cấp