Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo phải diễn ra trước trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Tùy theo mỗi vùng miền mà có cách chuẩn bị khác nhau. Ở miền Bắc, mâm cỗ được chuẩn bị kỹ càng với các món ăn truyền thống cùng với cá chép. Người dân miền Trung thì thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì chỉ cúng với mũ áo và đôi hia bằng giấy và vào buổi đêm từ 20 - 23h ngày 23.
>> Nghi thức lễ cúng ông Công, ông Táo
Bài viết giới thiệu mâm cỗ cúng Táo quân của người dân miền Bắc. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, cơ bản với các món truyền thống như xôi gấc, bánh chưng, nem rán, gà luộc, giò lụa, canh miến nấu lòng gà, dưa hành...
Bánh chưng có hình vuông vắn tượng trưng cho đất. Các nguyên liệu được nấu cũng rất gần gũi với bên ngoài là lá dong, bên trong là gạo nếp và nhân đậu xanh, hành, thịt lợn.
Xôi gấc với màu đỏ tươi sáng như vầng dương có ý nghĩa mang lại sự cát tường, thịnh vượng.
=>> Xem cách làm xôi gấc căng mẩy, bóng đẹp
Gà luộc luôn có trong mâm cỗ miền Bắc bởi từ tích xưa ''gà gọi mặt trời'' có ý nghĩa biểu trưng con gà có sức mạnh siêu phàm có khả năng kết giao, điều khiển đất trời. Hơn nữa, trong 12 con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ.
=>> Xem cách làm gà luộc vàng ươm, ngọt thịt
Nem rán là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Với lớp vỏ giòn rụm, nhân ngọt thơm bởi sự hòa quyện tròn trịa các nguyên liệu thịt, trứng, mộc nhĩ, củ đậu... rất hấp dẫn.
=>> Xem cách làm nem rán để lâu vẫn giòn rụm
Nộm đu đủ giúp cho mâm cỗ trở nên hài hòa, cân bằng vị. Bí quyết để có món nộm ngon là sau khi nạo sợi đu đủ, cà rốt, bạn nên ngâm nước muối loãng làm sạch nhựa. Sau đó rửa sạch, vắt ráo rồi mới trộn nước đường, giấm, muối theo khẩu vị, để cho ngấm, chắt nước. Cuối cùng mới thêm lạc rang, rau thơm thì giúp món nộm khô ráo, giòn ngon.
Cùng với thịt mỡ, bánh chưng thì dưa hành là món không thể thiếu trong mâm cỗ cổ truyền miền Bắc. Món ăn này giúp gia tăng khẩu vị, dễ tiêu hóa, giảm độ ngấy cho mâm cỗ.
Bùi Thủy