"Chúng tôi đang xem xét khả năng đó", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein trả lời khi được hỏi có khả năng cơ trưởng hoặc cơ phó tự sát, khiến máy bay biến mất không. Tuy nhiên, ông Hussein nói thêm rằng đó chỉ là một giả thiết.
Theo các nguồn tin an ninh của Mỹ và châu Âu, kết quả điều tra lý lịch hành khách có mặt trên chuyến bay của chính phủ các quốc gia liên quan cho thấy, không có hành khách nào tham gia các nhóm phiến quân hay có động cơ chính trị, hình sự có thể dẫn đến hành động phá hoại, cướp máy bay.
Một nguồn tin trong quá trình điều tra của Mỹ cho biết các phi công đang được điều tra kỹ lưỡng bởi họ có đủ hiểu biết cần thiết để vô hiệu hóa ACARS, hệ thống tự động liên lạc trên máy bay.
Phi cơ của Malaysia Airlines (MAS) biến mất khỏi màn hình radar dân sự khi nó đang ở bờ biển phía đông Malaysia, chưa đầy một giờ kể từ lúc cất cánh khỏi thủ đô Kuala Lumpur. Nhà chức trách nước này tin rằng có ai đó đã tắt toàn bộ hệ thống liên lạc của máy bay một cách có chủ ý.
Theo nhiều chuyên gia, các thiết bị phát đáp của máy bay có thể bị tắt bằng cách gạt công tắc trong buồng lái nhưng ACARS thì khác. Việc tắt ACARS có thể đòi hỏi ai đó phải mở cửa lật ở cửa buồng lái, trèo xuống vào trong phần bụng máy bay rồi ngắt cầu chì hoặc aptomat. Một số chuyên gia cho biết thêm việc tắt ACARS còn bao gồm thực hiện nhiều động tác kết hợp trên bàn phím.
Dù ai làm việc đó thì họ cũng phải có hiểu biết sâu sắc về hệ thống của Boeing 777, các phi công cùng hai quan chức Mỹ hiểu rõ cuộc điều tra cho hay.
Cảnh sát đặc nhiệm Malaysia hôm 15/3 kiểm tra nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, ở vùng ngoại ô giàu có của Kuala Lumpur. Họ tìm thấy một mô hình Boeing 777 giả lập trong nhà cơ trưởng Zaharie và tịch thu để điều tra. Cảnh sát chưa tìm ra bằng chứng nào cho thấy phi công có liên hệ với khủng bố.
Một số quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng về cách điều tra của Malaysia. Chính phủ Malaysia vẫn chưa gửi lời đề nghị nào tới Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để cơ quan này cử đội điều tra đến Kuala Lumpur.
FBI, có nhiều kinh nghiệm điều tra tai nạn máy bay, cùng các cơ quan hành pháp khác của Mỹ cho biết họ mong muốn gửi các nhóm điều tra đến Kuala Lumpur, nhưng chỉ thực hiện khi Malaysia có đề nghị chính thức.
Như Tâm