Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin hôm qua cho biết bà đã yêu cầu chuyển số rác nhựa được chứa trong 150 container này cho 13 quốc gia. Trong đó, có 43 container rác được gửi trả cho Pháp, 42 container trả cho Anh, còn Mỹ nhận 17 container và Canada nhận 11 container.
Chính phủ Malaysia muốn đảm bảo rằng nước này "không trở thành bãi rác của thế giới", bà Yeo nói thêm trong một bài viết dài trên Facebook. Các nước đã chuyển rác đến Malaysia và các công ty vận tải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí gửi trả rác.
Số container rác nhựa này được chuyển trái phép đến Malaysia từ năm 2018, khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa cách đây hai năm như một phần trong nỗ lực cải thiện môi trường. Quyết định ngừng nhập rác nhựa của Trung Quốc đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các bên trung gian tìm kiếm điểm đến mới cho các lô rác thải nhựa, trong đó có Malaysia.
Một báo cáo của tổ chức môi trường Greenpeace cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, lượng rác thải nhựa xuất từ Mỹ sang Malaysia đã cao gấp đôi so với năm trước đó. Tình trạng ùn ứ rác thải cũng diễn ra ở Philippines, khiến nước này rơi vào tình trạng căng thẳng ngoại giao với Canada hồi năm ngoái.
Hồi tháng 5, chính phủ của 187 quốc gia, trong đó có Malaysia, đã nhất trí thêm rác thải nhựa vào Công ước Basel quy định về việc vận chuyển các vật liệu độc hại từ nước này sang nước khác, nhằm chống lại những tác động của ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thế giới. Mỹ là một trong những quốc gia không tham gia vào công ước này.
Anh Ngọc (Theo CNN)