Số bệnh nhân ở Malaysia tiếp tục tăng vọt. Hơn 180.000 trường hợp dương tính, 689 người tử vong, chuyên gia y tế công cộng lo ngại nỗ lực truy vết tiếp xúc đang thất bại.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính lên mạng xã hội phàn nàn rằng nhân viên y tế vẫn chưa liên hệ với họ. Trong khi đó, các ứng dụng theo dõi như MySejahtera và SELangkah (tương tự Bluezone tại Việt Nam) bị quá tải, bỏ lỡ hàng nghìn người tiếp xúc gần mỗi ngày.
"MySejahtera đáng ra phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi đường lây, nhưng số ca nhiễm mới đều đến hàng nghìn. Không rõ liệu các nhân viên y tế có sử dụng hết bộ dữ liệu mà ứng dụng cung cấp hay không. Họ phải làm thủ công, rất mệt mỏi", Nazihah Noor, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng tại Viện Nghiên cứu Khazanah, nhận định.
Trong cuộc họp báo ngày 25/1, Bộ Y tế cho biết đã giải quyết các vấn đề với hệ thống này, hứa sẽ giám sát chặt chẽ hơn thông qua ứng dụng MySejahtera. Song các chuyên gia y tế khẳng định cần cải tổ mạnh mẽ công tác truy vết tiếp xúc công nghệ cao.
Hệ thống y tế, vốn chịu nhiều áp lực, gần đây đã đạt đến ngưỡng cực hạn, có thể không điều phối đủ nhân viên y tế để theo dõi từng ca dương tính. Theo ước tính của Nazihah, Malaysia sẽ cần khoảng 10.000 nhân viên truy vết làm việc thủ công trong lúc nâng cấp MySejahtera, tức là khoảng 30 người trên 100.000 dân. Họ là lao động dân sự của Bộ Y tế hoặc các tình nguyện viên cộng đồng, giúp chuyên gia y tế có thời gian làm công việc chuyên môn.
Tiến sĩ Zulkifli Ismail, Tổng thư ký Hiệp hội Nhi khoa châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Liên minh Y tế Malaysia (MHC), cho rằng cần trao trách nhiệm cho người dân nhiều hơn.
"Phải công khai thuyết phục họ, để mọi người có trách nhiệm và giữ kỷ luật bằng cách tự kiểm dịch, khai báo y tế, đường tiếp xúc. Cần có sự phối hợp và giáo dục nhận thức về sức khỏe cộng đồng", ông nói.
Tiến sĩ Tan Maw Pin, thư ký Hiệp hội Y khoa Lão khoa Malaysia, nhận định truy vết theo kiểu truyền thống là gian khổ và không còn khả thi. "Chúng tôi đáng ra phải được MySejahtera hỗ trợ", bà nói.
Đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lee Boon Chye hối thúc chính phủ thuê thêm 10.000 nhân viên truy vết để đối phó với các ca nhiễm gia tăng. Tính đến tháng 11 năm ngoái, ứng dụng MySejahtera có 15 triệu lượt truy cập mỗi ngày.
"Nhưng đến nay, chúng tôi không biết cơ sở dữ liệu khổng lồ này đã được phân tích để tìm ra xu hướng lây nhiễm hay chưa. Ví dụ, tỷ lệ truyền bệnh ở một số địa điểm nhất định như phòng gym và nhà hàng có cao hơn so với phòng khám mắt và tiệm làm tóc hay không? Khi một cụm dịch được xác định, con đường lây nhiễm nào dễ làm virus phát tán mạnh ra cộng đồng nhất", Ong Kian Ming, Ủy viên Quốc hội, cựu Thứ trưởng Y tế, đặt vấn đề.
Vài tuần qua, Malaysia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, kết quả đáng ngại với một nước từng kiểm soát tốt Covid-19. Đầu tháng 1, quốc gia ban bố lệnh hạn chế di chuyển thứ hai, dù phần lớn nền kinh tế vẫn mở cửa.
Malaysia mất kiểm soát đại dịch vì nhiều yếu tố khác nhau. Mức độ lây nhiễm cộng đồng giảm sau đợt phong tỏa đầu tiên. Song đến cuộc bầu cử ở Sabah hồi tháng 9 năm ngoái, các cử tri và chính trị gia đi lại thường xuyên hơn, khiến virus quay trở lại. Các biện pháp ngăn ngừa cũng trở nên lỏng lẻo sau khi mở cửa nền kinh tế. Dù vẫn đeo khẩu trang, mọi người bắt đầu tụ tập thành đám đông, tới phòng gym, tổ chức tiệc sinh nhật. Từ đó, cụm dịch mới xuất hiện. Giờ đây, công tác truy vết không hiệu quả trở thành gánh nặng với hệ thống kiểm dịch vốn đã mỏng manh.
Thục Linh (Theo SCMP)