Theo kết quả bán hàng 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh số toàn ngành công nghiệp ôtô ở Malaysia là 296.334 xe, tăng 2,29% so với cùng kỳ 2018. Mức tăng là động lực để Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Malaysia (MAA) kỳ vọng đạt mục tiêu 600.000 xe trong 2019, theo Paultan.
Perodua giữ vững ngôi vương, tăng 4% với doanh số đạt 121.782 xe. Kết quả này cũng giúp Perodua chiếm thị phần 41,1%, tăng nhẹ so với 40,4% trong 2018. Ngược lại, á quân Honda giảm doanh số 13,81%, chỉ đạt 44.260 xe, giảm cả thị phần từ 17,7% xuống còn 14,9%.
Khởi sắc nhất là Proton. Nhờ làm mới dòng sản phẩm và ra mắt mẫu SUV ăn khách X70, hãng xe quốc doanh có mức tăng 60,55%, đạt 43.518 xe. Điều này giúp Proton bỏ xa Toyota (31.251 xe) và chỉ kém Honda 742 xe. Thị phần của Proton cũng tăng từ 9,4% lên 14,7%.
Hai vị trí cuối cùng trong top 5 lần lượt là Toyota và Nissan (10.383 xe). Phần còn lại của thị trường, doanh số cao nhất thuộc về Mazda ở vị trí thứ 6, với chưa đến 6.500 xe trong 6 tháng đầu năm.
Perodua và Proton đều là hai thương hiệu ôtô nội địa của Malaysia, đều áp đảo doanh số trước các hãng ngoại. Nhưng có những khác biệt lớn giữa hai thương hiệu này.
Từ những năm 1960, khi mới bắt đầu phát triển công nghiệp ôtô, chính phủ Malaysia khuyến khích thiết lập một nền công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Mục đích chính là giảm lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) nhằm tạo ra sự cân bằng bền vững trong cán cân thanh toán, tạo công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ. Trong suốt một thời kỳ dài đến những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, mức thuế đánh vào sản phẩm CBU cao hơn nhiều so với nhập khẩu bộ phận để lắp ráp thành phẩm (CKD).
Vào những năm 1970, chính sách hàm lượng nội địa được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 1983, Proton, hãng xe nội địa đầu tiên của Malaysia, thành lập, thuộc sở hữu của chính phủ thông qua quỹ đầu tư quốc gia. Thủ tướng đương thời, ông Mahathir Mohamad được coi là cha đẻ của dự án này. Sự xuất hiện của Proton đã thay đổi cấu trúc của nền công nghiệp ôtô nước này khi chuyển từ lắp ráp đơn thuần sang chế tạo ôtô thương hiệu Malaysia.
Thời khắc lịch sử của nền công nghiệp ôtô Malaysia là năm 1985, khi mẫu Proton Saga xuất xưởng, khởi đầu cho thời kỳ vàng son lẫn thăng trầm về sau. Hãng từng thống trị thị trường Malaysia vào đầu thập niên 1990, chiếm 74% thị phần ở thời kỳ đỉnh cao.
Tháng 5/2017, Proton bán gần 50% cổ phần cho hãng xe Trung Quốc, Geely. Cùng năm, chỉ 13,8% số ôtô mới lưu thông trên đường là xe Proton.
Doanh số sụt giảm và những khoản nợ ngày càng phình to buộc Proton bắt tay với thương hiệu nước ngoài. Tháng 9/2018, X70 là sản phẩm đầu tiên thuộc dòng SUV của Proton xuất hiện ở Malaysia, phát triển dựa trên nền tảng mẫu Geely Boyue tại thị trường đại lục.
Năm 1993 - đúng 10 năm sau khi Proton thành lập - thương hiệu nội địa thứ hai của Malaysia, Perodua được khai sinh và sản phẩm đầu tiên là mẫu hatchback 5 cửa Kancil. Tuy nhiên, sản phẩm của Perodua không trùng phân khúc với Proton do chủ yếu sản xuất xe cỡ nhỏ.
Nhưng Perodua không tự thiết kế và sản xuất các bộ phận chính, như động cơ và hộp số, mà phát triển từ xe Daihatsu. Khi Perodua thành lập, Daihatsu giữ 20% cổ phần, tăng lên thành 25% vào 2001 và sau đó là 35%.
Ban đầu với các chính sách bảo hộ chặt chẽ của chính phủ, các nhãn hiệu xe nội của Malaysia có doanh số rất tốt, chiếm gần như toàn bộ thị phần trong nước lúc bấy giờ bởi giá xe rẻ hơn 20-30% so với xe được sản xuất bởi các công ty lắp ráp khác. Thị phần của Proton tăng từ 47% năm 1986 lên 65% năm 1987 và 73% vào năm 1988. Năm 1995, lượng xe nội đã chiếm 78,7% lượng xe lưu hành tại Malaysia lúc bấy giờ, trong đó thị phần của Proton là 61,3% và Perodua là 17,4%.
Từ khi gia nhập AFTA năm 2004, Malaysia phải cắt giảm thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Với những thay đổi này, xe nhập khẩu được tiêu thụ ở thị trường này nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự xâm nhập của các công ty lớn sản xuất ở nước ngoài, thị phần của các hãng xe nội địa giảm dần. Khi được tiếp xúc với xe nhập khẩu cũng như xe được lắp ráp của các hãng lớn có mặt tại Malaysia, người tiêu dùng cũng thay đổi thị hiếu, sự kỳ vọng về chất lượng và mẫu mã cũng như thương hiệu cao hơn, là điều mà các hãng xe nội như Proton hay Perodua không đáp ứng được.
Xe được sản xuất ra chỉ tiêu thụ được ở thị trường nội địa mà không thể xuất khẩu. Tương lai của các hãng xe nội được báo trước là phá sản hoặc bắt buộc phải sáp nhập với một đại gia ôtô nào đó trên thế giới. Động thái sản xuất xe không phải thương hiệu nội của các hãng xe nội có thể coi là một phần của tương lai được báo trước. Perodua sản xuất Daihatsu của Nhật.
Hiện các cổ đông của Perodua gồm UMW Corporation (38%), Daihatsu Nhật Bản (20%), Daihatsu Malaysia (5%), MBM Resources (20%), PNB (10%), Mitsui & Co. Nhật Bản (4,2%) và Mitsui & Co. châu Á Thái Bình Dương (2,8%). Trong khi Proton thuộc quyền sở hữu của tập đoàn DRB-Hicom (50,1%) và Geely (49,9%). DRB-Hicom là tập đoàn của tỷ phú Malaysia Syed Mokhtar Albukhary.
Năm 2009, chính phủ Malaysia quyết định dỡ bỏ chính sách bảo hộ sản xuất xe hơi trong nước, tạo nên một thị trường cạnh tranh cao độ hơn. Các công ty tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn ôtô ở Đông Á với vai trò là nhà cung cấp linh kiện. Như các công ty Malaysia cung cấp liên kết lái, máy tính động cơ và thanh gạt nước cho Toyota; cung cấp hãm xung, khớp nối đồng tốc, chắn bùn cho Honda. Việc chuyên môn hóa cung cấp một số linh kiện nhất định cho các công ty đầu tàu giúp công nghiệp ôtô Malaysia phát triển ổn định, mang lại giá trị cao.
Tháng 5/2018, không lâu sau khi tái đắc cử Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã đề xuất một dự án "xe hơi quốc gia". Sau niềm tự hào mang tên Proton, giờ đây vị thủ tướng 94 tuổi tham vọng xây dựng một hãng xe quốc gia mới, một sự lột xác hoàn toàn.
Minh Thủy