Malaysia, một nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hôm 8/7 phát đi dự thảo nghị quyết, hy vọng nó sẽ được thông qua cuối tháng này, các nhà ngoại giao cho hay. Đây là đề xuất chung của Malaysia, Australia, Hà Lan, Bỉ và Ukraine.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines được cho là bị bắn hạ vào tháng 7/2014 khi chở 298 người trên khoang, trong đó đa số là người Hà Lan. Nó rơi xuống vùng lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở đông Ukraine.
"Tôi không thấy tương lai nào" cho nghị quyết này, Vitaly Churkin, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết trong tuyên bố được dịch từ tiếng Nga. "Thật không may, dường như đây là một âm mưu nhằm tổ chức một cuộc phô diễn chính trị, chỉ nhằm dập tắt nỗ lực tìm ra bên có tội".
Nga là thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, cùng Pháp, Anh, Nga và Mỹ. Do đó, nước này có quyền chặn đề xuất nếu bỏ phiếu.
Các nước Ukraine và phương Tây cáo buộc phe ly khai ở đông Ukraine bắn rơi máy bay bằng tên lửa do Nga sản xuất. Nhưng Moscow bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này cung cấp hệ thống tên lửa phòng không SA-11 Buk cho phe ly khai.
"Khi máy bay Mỹ là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố, rơi xuống lãnh thổ Scotland, ý tưởng về một tòa án quốc tế chẳng được ai đưa ra", Churkin nói thêm, đề cập đến vụ đánh bom chuyến bay của hãng Pan Am năm 1988 trên bầu trời Lockerbie, Scotland.
Theo Reuters, bản dự thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc sẽ "thiết lập một tòa án quốc tế với mục đích duy nhất là khởi tố những kẻ chịu trách nhiệm về các tội liên quan đến việc bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines".
Dự thảo viết "trong hoàn cảnh cụ thể của vụ việc này, việc thành lập một tòa án quốc tế sẽ là sự đảm bảo hiệu quả cho một quá trình quy trách nhiệm độc lập và công bằng".
Báo cáo của nhóm điều tra đa quốc gia do Hà Lan dẫn đầu về nguyên nhân tai nạn dự kiến được công bố cuối năm nay. Malaysia, Australia, Bỉ và Ukraine cũng tham gia cuộc điều tra chung.
"Chúng ta nên chờ kết quả điều tra và sau đó nghĩ cách tiếp cận hiệu quả nhất với các hành động pháp lý", Churkin nói.
Ngày 21/7/2014, Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu những kẻ chịu trách nhiệm "phải giải trình và tất cả các nước phải hợp tác toàn diện với các nỗ lực quy trách nhiệm".
Trọng Giáp (Theo Reuters)