Malaysia hôm qua ghi nhận thêm 3.780 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 470.110, trong đó 1.902 người đã chết, tăng thêm 36 trường hợp so với một ngày trước. Nước này hôm 15/5 ghi nhận kỷ lục về số ca tử vong với 44 người chết, cao nhất từ khi dịch bùng phát ở nước này hồi năm ngoái.
Giáo sư Sazaly Aby Bakar, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới thuộc Đại học Malaya, cho biết cơ quan này đã xác định hai biến chủng nCoV tiềm tàng, dường như xuất hiện đầu tiên tại Malaysia.
Sazaly cho rằng đang xuất hiện các chủng nCoV nội địa dựa trên số ca nhiễm mới, tỷ lệ lây truyền và nhiễm bệnh gia tăng, cùng số ca nhiễm không triệu chứng ngày càng nhiều. Kết luận được đưa ra dựa trên kết quả giải mã dữ liệu được giới chức Malaysia công bố, đặc biệt là ở bang Sabah và Sarawak.
"Biến chủng đáng lo ngại hiện nay vẫn là B.1.617 từ Ấn Độ, nhưng có khả năng biến chủng mới đứng sau đợt bùng phát lần này", ông cho hay, đồng thời cho rằng giới chức y tế Malaysia vẫn chưa công bố đầy đủ kết quả nghiên cứu trình tự gene của nCoV trong nước.
Giáo sư Sazaly là một trong số những chuyên gia cho rằng dữ liệu công khai của Viện Nghiên cứu Y khoa Malaysia vẫn còn rất giới hạn. "Chúng ta đang trong cuộc chiến và không biết đối phương trông thế nào. Dịch bệnh đã hoành hành hơn một năm nhưng vẫn chưa có đủ thông tin và nghiên cứu về những chủng nội địa. Cách duy nhất để Malaysia chiến thắng là đạt đột phá trong điều trị, điều này không thể diễn ra nếu không soi xét kỹ virus", ông cho hay.
Thế giới đã ghi nhận 163.691.053 ca nhiễm nCoV và 3.392.588 ca tử vong, tăng lần lượt 520.140 và 9.224, trong khi 143.298.559 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.712.791 ca nhiễm và 600.139 ca tử vong do nCoV, tăng 16.875 ca nhiễm và 281 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Dữ liệu thu thập được cho thấy hiệu quả cực kỳ cao của các vaccine Covid-19 được cấp phép ở Mỹ, không chỉ ngăn triệu chứng mà còn cả ca nhiễm không triệu chứng và lây truyền. Gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine và 36,7% dân số đã được tiêm đủ hai mũi.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, dự kiến tạo ra động lực tiêm vaccine vốn đã chậm lại phần nào trong những tuần gần đây. Các bậc cha mẹ trên khắp cả nước đang đổ xô đi tiêm phòng cho con cái tuổi vị thành niên.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 24.964.925 ca nhiễm và 274.411 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 281.860 và 4.092 ca.
Manoj Kumar Singh, quan chức cấp cao bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, nơi sinh sống của 240 triệu người, hôm 15/5 thừa nhận nhiều thi thể được phát hiện ở sông Hằng là nạn nhân Covid-19.
Uttar Pradesh chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ. Các chuyên gia y tế nói rằng nhiều ca nhiễm và tử vong hiện không được chú ý ở các ngôi làng, nơi sinh sống chủ yếu của cư dân trong bang này.
Hình ảnh thi thể trôi trên sông Hằng, nơi được coi là linh thiêng trong đạo Hindu, khiến cả nước bàng hoàng. Sự thừa nhận diễn ra khi Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi giới chức tăng cường nguồn lực chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn và đẩy nhanh việc giám sát vì virus lây lan nhanh chóng ở những khu vực này sau khi tàn phá các thành phố.
Anh tiếp tục xúc tiến kế hoạch nới hạn chế bất chấp lo ngại về biến chủng nCoV Ấn Độ. Quốc gia này hiện ghi nhận 4.450.777 và 127.679 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 1.926 và 4 trường hợp.
Giới chức Anh cho biết hơn 36 triệu người đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Thủ tướng Boris Johnson xác nhận sẽ thúc đẩy cho phép tụ tập 6 người trong nhà hoặc hai hộ gia đình ở Anh từ tuần tới, dù giai đoạn cuối của dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 6 có thể gặp "gián đoạn nghiêm trọng".
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.877.787 ca nhiễm và 107.616 ca tử vong.
Giới chức cho biết nước này đang trên đà đạt mục tiêu tiêm chủng 30 triệu liều vaccine Covid-19 vào 15/6. Tính đến 15/5, nước này đã tiêm được 20 triệu liều, vài ngày trước khi chính phủ bắt đầu dỡ hạn chế trên toàn quốc.
Từ 19/5, các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc sẽ mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế sau 6 tuần đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ được lùi từ 19h sang 21h. Các cửa hàng không thiết yếu cũng sẽ mở cửa trở lại và quán cà phê, nhà hàng ngoài trời sẽ được hoạt động lần đầu kể từ 30/10.
Các quán cà phê và nhà hàng có thể phục vụ trong nhà vào ngày 9/6 và lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 30/6 nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục giảm.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.739.750 ca nhiễm, tăng 3.080, trong đó 48.093 người chết, tăng 126.
Thái Lan báo cáo thêm 2.302 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 101.447 và 589. Thái Lan đã phải đối mặt với đợt bùng nguy hiểm nhất kể từ tháng 4.
Giới chức cho biết nước này đã lên kế hoạch cho phép các nhà hàng tiếp tục phục vụ ăn uống tại thủ đô Bangkok, nhưng giờ mở cửa và số lượng thực khách sẽ bị hạn chế do đang phải đối mặt sóng Covid-19 thứ ba.
Vũ Anh (Theo Reuters)