Một quan chức có tham gia trong cuộc điều tra nói rằng họ chưa xác định được động cơ cũng như khu vực chiếc máy bay bị tấn công, AP cho hay. Người này giấu tên bởi ông không được phép cung cấp thông tin cho truyền thông.
"Khả năng không tặc không còn là một giả thuyết nữa", quan chức trên nói. "Nó đã được kết luận".
Tuy nhiên, Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Cục hàng không dân dụng Malaysia (DCA) và là người đứng đầu nhóm điều tra phi cơ mất tích, phủ nhận thông tin MH370 bị tấn công, đồng thời nói rằng đó vẫn chỉ là một trong những giả thiết đang được xem xét.
"Nó chưa được kết luận. Tôi lãnh đạo cuộc điều tra và không có ai nói như vậy cả", Telegraph dẫn lời ông Rahman nói. "Điều đó không chính xác. Chúng tôi đang xem xét tất cả những khả năng có thể. Chúng tôi đang kiểm tra thông tin của từng hành khách, thành viên phi hành đoàn nhưng không có bằng chứng nào chắc chắn hoặc dẫn tới kết luận đó".
Niềm tin rằng MH370 bị tấn công được củng cố sau khi các chuyên gia phân tích dữ liệu từ radar quân sự của Malaysia, từ những tín hiệu mà máy bay gửi hệ thống vệ tinh, cho thấy rằng máy bay đã được lái từ vịnh Thái Lan về hướng đảo Penang và sau đó chuyển hướng tây bắc ra vùng biển Andaman. Hệ thống phát tín hiệu cho radar và hệ thống báo cáo dữ liệu trên máy bay được cho là đã bị ai đó tắt đi, độ cao của máy bay cũng trồi sụt liên tục, vượt quá hoặc xuống thấp hơn mức cho phép đối với Boeing 777.
Các chuyên gia nghi ngờ phi công hoặc kẻ nào đó có hiểu biết rõ về máy bay đã điều khiển MH370 theo ý đồ riêng. Giới chức chưa có nhận định về động cơ dẫn đến hành động của kẻ tấn công máy bay.
Theo thông tin của New York Times, phi cơ bay lên cao 13.700 m, đổi hướng, đi về phía đảo Penang, rồi giảm độ cao xuống còn 7.000 m, trước khi tăng độ cao và bay theo hướng tây bắc về phía Ấn Độ Dương. Đồ họa: New York Times
Các chứng cứ mới nhất cho thấy rằng máy bay dường như đã không gặp biến cố như nổ hay hỏng hóc phía trên Biển Đông như nghi ngại ban đầu. Một số chuyên gia ngờ rằng kẻ điều khiển máy bay sau khi nó biến khỏi radar là một trong hai phi công hoặc không tặc đã cướp máy bay hoặc tự sát bằng cách cho MH370 lao xuống biển.
Nhà chức trách Malaysia cũng như các quốc gia khác sẽ điều tra khẩn cấp thông tin về hai phi công và 10 thành viên phi hành đoàn cũng như 227 hành khách có mặt trên chuyến bay mất tích.
Một số chuyên gia còn cho rằng giả thiết phi công lái máy bay tự sát, giống như trong chuyến bay của SilkAir từ Singapore tới Jakarta năm 1997 và của EgyptAir năm 1999.
Giả thuyết về việc máy bay đã hạ cánh ở một nơi nào đó không đứng vững, bởi chính phủ Ấn Độ quản lý tất cả các đường băng trên quần đảo Andaman và một thứ to như thế hạ cánh mà không bị phát hiện là điều rất khó xảy ra.
Như Tâm