Sau khi Việt Nam quyết định rút đăng cai ASIAD 18, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là Ủy ban Olympic châu Á (OCA) sẽ chọn quốc gia nào thay thế làm chủ nhà sự kiện thể thao lớn nhất châu lục năm 2019.
Do thời gian chuẩn bị không còn nhiều - chỉ năm năm, việc tìm ra một địa điểm phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ Đại hội trở thành một vấn đề cấp bách với OCA.
Singapore nằm trong số các ứng cử viên, nhưng đã từ chối nhận trọng trách này, với lý do muốn dồn mọi nguồn lực để tổ chức thật tốt SEA Games 2015. Tuy nhiên, tuyên bố của Ủy ban Olympic Malaysia (OCM) có thể mở ra một lối thoát cho OCA trong bài toán tìm quốc gia đăng cai ASIAD 18.
"Surabaya, thành phố thua Hà Nội trong cuộc đua năm 2012, có thể vẫn quan tâm đến việc làm chủ nhà ASIAD. Nếu được đề nghị làm chủ nhà Đại hội, chúng tôi sẽ không đồng ý ngay lập tức. Chúng tôi sẽ xem xét và nhận lời, nếu OCA sẵn sàng thay đổi một số điều kiện để đăng cai ASIAD", Tổng thư ký OCM Datuk Sieh Kok Chi nói trên tờ Star (Malaysia) hôm qua.
Malaysia không tham gia vào cuộc đua tranh quyền đăng cai ASIAD năm ngoái vì OCM không đồng tình với những điều khoản, điều kiện mà OCA đặt ra. Hồi năm 2012, Chủ tịch OCM Tunku Tan Sri Imran Tuanku Ja’afar đã gặp các lãnh đạo tối cao của OCA để thảo luận về một quy trình xin đăng cai có thể đảm bảo quyền lợi công bằng cho cả quốc gia chủ nhà lẫn OCA.
"Tanku Imran có đề xuất một số thay đổi liên quan đến chi phí và chia sẻ lợi nhuận, nhưng không tìm được tiếng nói chung. Tôi tin chắc rằng nếu chúng tôi tiết lộ những đòi hỏi của OCA về việc làm chủ nhà ASIAD, dư luận cũng sẽ phản đối, yêu cầu Malaysia không đăng cai, vì nhiều đòi hỏi quá khắt khe. Tôi nghĩ OCA cần xem lại các điều kiện mà họ đặt ra", ông Kok Chi nói thêm.
Malaysia từng hai lần chạy đua xin đăng cai ASIAD 2006 và 2010, nhưng đều thất bại lần lượt trước các đối thủ Doha (Qatar) rồi Quảng Châu (Trung Quốc).
Minh Kha