"Những bất thường cho thấy bản ghi dữ liệu chuyến bay xuất hiện trong các báo cáo không hoàn chỉnh và đã bị sửa đổi", Victor Iannello, người dẫn đầu nhóm điều tra độc lập về sự biến mất của MH370, hôm 3/9 tuyên bố, theo Sun. Nhóm của Iannello gồm các chuyên gia khoa học và hợp tác với Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB).
Trong bản ghi dữ liệu trong báo cáo cuối cùng về sự mất tích bí ẩn của MH370, một thông điệp khẩn cấp từ Trung tâm Điều phối bay Malaysia được ghi nhận vào 18h03 và sau đó lặp lại hai phút một lần cho đến 18h43 nhưng không nhận được phản hồi từ máy bay. Tuy nhiên, theo Iannello, thông điệp khẩn cấp cuối cùng được ghi nhận lúc 18h15, dẫn đến khả năng thông tin trong báo cáo cuối cùng không chính xác hoặc nhật ký liên lạc không chứa tất cả các tin nhắn.
Chuyên gia này cũng khẳng định thông điệp đã bị chỉnh sửa bởi dòng cuối cùng của thông điệp có một biểu tượng không đúng chỗ, dẫn đến nghi ngờ báo cáo chính thức đã bị sửa đổi. Ông cũng cho rằng tên một người bắt đầu bằng chữ M đã bị xóa khỏi văn bản.
Iannello cho rằng, sự thật xung quanh nhật ký liên lạc của Hệ thống Báo cáo và Liên lạc cho máy bay (ACARS) còn đáng ngờ hơn. "Sự thay đổi trong các thông số bộ lọc và các thông điệp lặp đi lặp lại là bằng chứng rõ ràng cho thấy nhật ký liên lạc trong 2 bản báo cáo được ghép nối với nhau và được trình bày dưới dạng một báo cáo duy nhất".
"Thật đáng thất vọng khi hơn 4 năm sau khi MH370 mất tích, chúng ta vẫn phải yêu cầu Malaysia công bố dữ liệu đang bị che giấu", Iannello nói.
Chính phủ Malaysia hôm 30/7 công bố báo cáo chính thức về cuộc điều tra vụ máy bay MH370 mất tích cùng 239 người trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào tháng 3/2014, trong đó nói rằng máy bay có thể đã cố tình bay lệch lộ trình và hướng về phía nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân đã bày tỏ sự thất vọng với báo cáo này vì không có thông tin gì mới. Do không tìm thấy hộp đen máy bay, các nhà phân tích chỉ có thể phỏng đoán về những giây phút cuối cùng trong buồng lái.
Sau khi MH370 mất tích, chính phủ Australia đã dẫn đầu cuộc tìm kiếm đa quốc gia lớn nhất trong lịch sử hàng không, nhưng không thu được kết quả đáng kể và phải kết thúc vào tháng 1/2017. Dưới sức ép của người thân hành khách trên chuyến bay, chính phủ Malaysia phối hợp với công ty thăm dò Ocean Infinity của Mỹ khởi động lại cuộc tìm kiếm, sử dụng các thiết bị công nghệ cao lùng sục dưới đáy biển nhưng chiến dịch này cũng dừng lại hồi tháng 5 mà không thu được kết quả nào.
Huyền Lê