Nhất Chi Mai
Ngày nay ít ai biết được loài hoa được cha ông ta liệt kê vào bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" chính là mai trắng. Thân dáng mảnh dẻ nhưng cứng cáp, sau nắng gắt, gió đông vẫn nở hoa trắng tinh khiết, hương thơm lại nhẹ nhàng, kín đáo, nên người xưa ví hoa mai với khí phách của người quân tử. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Vóc dáng của mai còn được ví như người con gái quyền quý, khuê các. Vì lẽ đó mà mai trắng còn được gọi với tên "Nhất Chi Mai".
Không chỉ vậy, mai trắng được coi là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân, là điểm khởi đầu may mắn và thuận lợi. Ở Hà Nội khi xưa, ngày xuân bậc trí giả hay những người sành chơi mà thiếu Chi Mai đón xuân là điều thật khó chấp nhận. Hơn hết, mai trắng luôn là nguồn thi hứng dồi dào, là hình tượng đẹp trong văn chương và có sức sống trường tồn đến tận ngày nay.
Mai trắng cùng họ với hoa đào, cây thân gỗ, khá cứng và nở hoa trắng muốt. Mai trắng hợp với khí hậu lạnh ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, thường chỉ nở vào dịp Tết. Trong tiết đông giá lạnh, nhiều cây và các loài hoa úa tàn, nhưng hoa mai trắng vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.
Bạch mai trên phố
Mai trắng vừa là cây hoa, vừa là cây cảnh bởi nếu để tự nhiên mai có thể mọc thành bụi, nếu uốn, nó có thể cho ra các kiểu dáng cây rất đẹp mang giá trị nghệ thuật cao. So với đào thì mai trắng khó trồng hơn và cần phải được chăm sóc rất kỹ. Trước đây ở Hà Nội, mai trắng được trồng nhiều ở Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên... Mỗi gia đình trồng mai thường có vài trăm gốc trong vườn. Ngày nay, với quá trình đô thị hóa cùng với giá trị kinh tế thấp, diện tích trồng mai ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là những loại cây cảnh có giá trị cao hơn.
Dạo quanh chợ hoa Hoàng Hoa Thám hoặc vườn Nhật Tân những ngày này thì không khó nhận ra những chậu mai trắng vẫn luôn thu hút du khách thưởng hoa và mua về chơi Tết.
Là đất trồng hoa nổi tiếng Hà Nội nên Nhật Tân ngày nay là nơi tập trung mai trắng nhiều và đẹp nhất. Bông mọc dày và đều ở mỗi cành nhưng chỉ nở vài ba đóa, còn lại là nụ chờ đến đúng xuân mới nở. Ngoài hoa, thế cây cũng khiến người xem không thể rời mắt ngắm nhìn. Muốn sở hữu một chậu mai trắng ở Nhật Tân, người chơi phải bỏ ra tiền triệu mới mua được thế cây ưng ý.
Ít và rẻ hơn là mai trắng bán ở chợ Hoàng Hoa Thám. Mai bày bán ở đây thường nở rộ hơn đôi chút nên thời gian chơi trong Tết bị rút ngắn ít nhiều, giá chỉ dưới một triệu đồng một chậu. Thế nhưng mai không hề kém sắc, bông lớn, cành đủ cả hoa, nụ và lộc.
Thú chơi ngày Tết
Với những người sành chơi và khó tính thì địa chỉ sắm mai là các gia đình nghệ nhân ở đất Hà Thành. Là một trong số ít những người hiện nay vẫn duy trì nghiệp trồng mai trắng ở Quảng An, căn nhà của ông Lê Văn Thành trên đường Âu Cơ với những gian hàng trưng bày mai trắng luôn tấp nập khách tới hỏi mua.
Với kinh nghiệm gần 30 năm, ông Thành cho biết một cây mai đẹp phải có bộ rễ, cây phải có thế, hoa và lá lộc vừa phải, thấp thoáng, khoe được vẻ đẹp toàn diện của cây. Nhìn vào những chậu mai trắng trong sân vườn ai nấy đều phải tấm tắc vì mỗi cây một thế, nào thế huyền, thế trực, nào thế hoành, thế bạt phong... có nhiều cây trên chục năm tuổi, thậm chí còn hơn.
Ngoài một số cây đem bán, ông còn cho thuê và phải "chọn mặt gửi vàng". Nếu không biết chăm sóc dù chỉ trong một đợt Tết, mai vẫn có thể chết. Cũng là người sành về chơi hoa, ông Thành chia sẻ: “Nếu biết chăm sóc, mai trắng có thể nở hai đợt trong dịp Tết. Lúc đầu hoa sẽ có màu hồng nhạt nhưng đợt sau, hoa sẽ nở bung trắng muốt”. Do người sành chơi mai trắng hiện không còn nhiều nên qua Tết, vẫn có khách hàng tìm đến gửi mai, nhờ ông chăm sóc.
Ngoài tô điểm không gian gia đình, mai trắng còn được chọn làm món quà biếu họ hàng, người thân vào dịp Tết. Dù rằng, mai trắng không còn vị trí độc tôn như trước nữa, nhưng vẫn còn đó nét đẹp tinh tế mang tên Nhất Chi Mai và lối chơi hoa độc đáo của người dân Kinh Kỳ mỗi độ xuân về.
Bài và ảnh: Vy An