- Ai lên nhận giải cũng cảm ơn những người đã giúp đỡ mình. Sao anh lại chỉ nói về cái tên Mai Văn Thịnh?
- Tôi nghĩ mọi sự cảm ơn cũng là thừa. Điều quan trọng là trong lòng tôi không bao giờ thiếu những người mà nhờ họ tôi đã có được thành công. Thành quả đạt được tôi cũng chẳng muốn sẻ chia cùng ai. Tôi mang lại niềm vui cho bạn bè đồng nghiệp đã ở bên tôi với kết quả tốt đẹp sau quá trình lao động nghệ thuật, vậy là đủ.
Không ngờ rằng cái tên cúng cơm mang lại may mắn cho mình. Mai Trần được ghép từ họ của tôi và bà xã, bạn bè nói Mai Trần thì ngày mai sẽ trần trụi, còn Mai Văn Thịnh thì ngày mai sẽ thịnh vượng. Và quả thật cái tên này đã giúp tôi giành được Cánh diều vàng lần này. Có lẽ lúc lên nhận Cánh diều vàng, tôi nên phát biểu thêm rằng từ trước đến giờ toàn đóng vai ác, bây giờ đóng vai hiền thì có được giải thưởng.
![]() |
Diễn viên Mai Trần. Ảnh: Q. Hưng |
- Có thêm "cánh diều" cho sự nghiệp, anh thấy thế nào?
- Quả thật tôi ngạc nhiên khi mình được giải. Thậm chí lúc ở Hà Nội gọi mời tôi ra dự lễ trao giải tôi còn cho là họ lộn số. Có thể nói đây mà mơ ước của những người làm nghề điện ảnh nói chung. Với tôi là niềm hạnh phúc khôn tả.
Nhưng quả thật lúc nhận giải này tôi hơi... ngậm ngùi. Nhà đài sắp xếp buổi lễ trao giải thành một kịch bản và bắt các anh chị em diễn viên phải diễn một lần nữa. Tôi xin lỗi nhưng hình như đài chưa làm đúng chức năng là mang máy đến để ghi hình những giây phút thăng hoa của nghệ sĩ. Họ rất cần những cảm xúc thật, những phút bất chợt, những điều không định trước. Nghệ thuật cần yếu tố cảm xúc và buổi lễ trao giải không phải là một buổi diễn.
- Anh nghĩ sao về dư luận sau giải thưởng này?
- Tôi buồn rất nhiều. Đầu tiên vì báo chí đã nói quá nhiều về vấn đề phim đoạt giải mà chưa ai biết đến, làm cho những cánh diều chưa kịp bay cao đã chao đảo. Tôi nghĩ đây là một giải thuộc về nghề, Hội Điện ảnh tổ chức như một bữa tiệc trong nhà, công nhận thành quả lao động của những người làm nghệ thuật. Tính chất quy mô chỉ có thể dừng lại ở mức độ đó. Còn nếu giải thưởng này do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức thì nó lại là một sự kiện khác.
Nói phim đoạt giải không ai biết thì cũng phải đặt vấn đề ngược lại là chiếu ở đâu? Đài truyền hình có chịu chiếu không? Có rạp nào nhận lời chiếu những phim này không? Nói đi thì cũng phải nói lại. Tôi mong mọi người hiểu hơn về cái khó của những người trong cuộc. Tôi chỉ quan trọng chuyện xem phim xong khán giả có đánh giá phim này không xứng đáng hay không. Đó mới là điều đáng suy nghĩ vì nếu phim không xứng đáng thì cả người trao giải lẫn người nhận giải đều không vui.
Với giải thưởng dành cho Nam diễn viên phụ xuất sắc thì tôi vẫn giữ niềm tin rằng mình xứng đáng. Mong là sau khi xem xong, công chúng cũng nghĩ như tôi và công nhận "vàng" trong giải thưởng mà tôi nhận được là vàng đủ tuổi.
- Khi nhận lời đóng "Sống trong sợ hãi", một bộ phim không phải để chiếu rộng rãi trên thị trường, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi rất yêu bộ phim này vì đằng sau nó là tấm lòng rất lớn của những người làm nghệ thuật. Lúc nhận lời, tôi vui vì lâu quá rồi mình mới được mời đóng một bộ phim mang tính chất nghệ thuật. Tôi không nghĩ phim này sẽ chiếu rộng rãi cho khán giả hay được mang đi thi. Chỉ cảm thấy sung sướng khi được làm việc với anh Bùi Thạc Chuyên, người từng đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes. Tôi làm việc say mê, dốc hết tâm trí cho nhân vật của mình, từ lao động thân xác đến tư duy về vai diễn.
Trước đây, tôi từng nói với bạn bè của mình rằng tôi không yêu điện ảnh lắm, vì tất cả tấm lòng đã dành cho sân khấu. Nhưng sau khi đóng phim này, tôi suy nghĩ khác. Bây giờ ai hỏi tôi có phải là diễn viên điện ảnh không, tôi sẵn sàng nhận. Vì sự chăm chút của Bùi Thạc Chuyên cho phim, vì sự yêu nghề, tính chuyên nghiệp của anh đã dẫn tôi đến điều này.
- Những cánh diều như anh cần gì để bay cao trong tình hình hiện tại của điện ảnh Việt Nam?
- Theo tôi, giữa phim thị trường và phim nghệ thuật thiếu một dấu cộng cần thiết. Diễn viên đi làm phim nghệ thuật thì thấy nhạt nhạt, làm phim thị trường thì thấy mình bị lạc lõng. Với một cánh diều, cái dây lèo buộc gần đuôi thì diều sẽ đảo, buộc gần đầu thì diều bay xa nhưng thấp, buộc giữa thì diều sẽ bay vừa cao vừa xa. Con diều cần một sự định hướng đúng đắn. Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng hiện nay cũng như vậy. Khán giả đến rạp không phải để học bài, cũng không phải chỉ để cười xòa rồi quên mình vừa xem gì.
Đỗ Duy thực hiện