Tôi nhớ có lần, một đứa bạn cùng lớp với tôi, trốn học đi chơi. Trời mưa, người cha đến trường đón con, người ướt sũng, đứng run lập cập ngoài cổng trường, tôi mang chiếc áo mưa của mình đưa cho bác ấy, bác ấy ái ngại nói: “Con mặc cho khỏi ướt, bác cũng đã ướt rồi.” Tôi nói dối “Nhà con ngay trường nên không cần ạ!". Nghe tôi nói, bác cầm chiếc áo nhưng không dám mặc, bác muốn để chiếc áo khô cho con trai. Tôi ra về mà lòng không yên, thầm trách cậu bạn thật ngu xuẩn. Có món quà nào, có niềm vui nào to lớn bằng tình yêu của một người cha?
Tôi lớn lên trên đôi tay lam lũ, tảo tần của ngoại. Mẹ tôi sau một tai nạn trở nên ngớ ngẩn, chẳng làm được gì nữa. Vì vậy, gánh nặng áo cơm của hai mẹ con tôi đè hết lên vai ngoại. Có lẽ, cả đời người phải một mình chống chọi với bao tai ương đau khổ, làm tâm hồn ngoại tôi trở nên chai sạn, khô cằn. Dường như ngoại chưa bao giờ gọi tôi là con hay cháu, lúc nào cũng chỉ cộc lốc mày với tao.
Thế nhưng tôi nhớ, có lần ngoại đi làm ăn xa, cả tuần không có tin về, tôi bồn chồn lo lắng. Có người nói, chiếc xe đò ngoại thường đi gặp nạn cháy đen thui, tôi òa khóc rồi chạy bộ cả quãng đường gần 4 cây số ra bến xe. Đến nơi, người ta nói ngoại tôi chưa về được vì đang chờ đóng hàng, thế là tôi lại tung tăng chân sáo vượt quãng đường dài thăm thẳm mà lòng vui như Tết. Đôi lúc, mẹ mệt nằm vùi cả ngày, tôi lại thấp thỏm. Tôi chỉ cần có mẹ, dù mẹ thế nào cũng được, tôi chỉ cần có mẹ bên cạnh để được gọi mẹ ơi những lúc vui, buồn. Tôi sợ phải làm một kẻ vô gia đình như cậu bé Remi trong tác phẩm Sans Famille của văn hào Pháp Hector Malot
Năm 18 tuổi, tôi phải rời mẹ, rời ngoại để lên Sài Gòn học. Một mình, bơ vơ nơi đất khách, tôi như con chim non lạc tổ ấm. Tôi thèm nghe tiếng ngoại, dù chỉ là một câu mắng mỏ, nạt nộ. Tôi thèm bữa cơm gia đình với vài cọng rau đắng mẹ hái sau vườn, thèm bàn tay mẹ lay vai, gọi tôi dậy những sớm tinh mơ, thèm cả những ngọn roi ngoại quất vào mông mỗi lần tôi hư hỏng… Mái ấm trong tôi lúc ấy, là những đêm thao thức không ngủ được vì nhớ ngoại, nhớ mẹ, là những ngày lăn lộn vừa học vừa làm để ngoại khỏi phải lo tiền ăn, tiền học cho tôi. Mái ấm trong tôi đơn giản thế thôi nhưng chẳng đơn giản tí nào, bởi những lo lắng bất an về bệnh tình của mẹ, bởi tuổi tác chất chồng lên mái tóc bạc phơ của ngoại tôi từng ngày.
Bạn bè tôi, nhiều người nói, họ hạnh phúc vì có một mái ấm viên mãn. Với tôi mái ấm bao giờ cũng thiếu. Vì vậy, tôi trân trọng những giây phút bên gia đình, dẫu mái nhà còn xiêu vẹo, dẫu bữa cơm chưa đủ cá thịt… nhưng đó vẫn là nơi cho tôi đi về mỗi lần mỏi mệt, cho tôi làm điểm tựa những lúc vấp ngã trên đường đời. .
Quy luật sinh tồn thật khắc nghiệt. Tôi cũng đã mất ngoại, chỉ còn có mẹ. Mẹ dường như chẳng còn nhớ nổi tôi là con của mẹ. Thế nhưng, tôi vẫn mong mái ấm của tôi có mẹ. Với tôi, mẹ chính là gia vị cho cuộc sống của tôi ngọt ngào.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Đỗ Thị Minh Thủy