Nhìn cô gái lí lắc, luôn miệng cười, ít ai đoán được Vân Anh đang sống tại mái ấm dành cho các bé gái từ 8 đến 18 tuổi - mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, nằm trong một con hẻm trên đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7.
Sống ở đây đã 7 năm, Vân Anh cảm thấy mái ấm giống như gia đình của mình. Em được cô chủ nhiệm, các cô giáo dục viên - những người mà Vân Anh coi như người mẹ, người chị của mình, quan tâm, dạy dỗ. Vân Anh cũng có những người bạn đồng trang lứa, thân thiết như chị em. "Các bạn đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ai hơn ai, không ai thua ai nên không ai mặc cảm gì, dễ thân thiết nhau", cô bé chia sẻ.
Là con cả trong gia đình có ba con nghèo khó ở Đồng Tháp, bố mẹ làm công nhân, không có thời gian quan tâm đến con cái, ở tuổi 11, Vân Anh từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Do đó, cô bé được giới thiệu đến với Hoa Hồng Nhỏ.
Đến mái ấm, Vân Anh có không gian riêng, là một chiếc giường tầng trong căn phòng nhỏ xinh cùng các bạn nữ khác. Hiện mái ấm nuôi 15 bé, các bé chia nhau sống trong 4 phòng. Các em cùng trang trí cho căn phòng với những bức tranh nhiều màu sắc tươi sáng trên tường.
Ban ngày, các cô gái đến trường học. Hết giờ học, 15 em chia nhau làm việc nhà, học làm bánh, kỹ năng sống, thỉnh thoảng được đi dã ngoại. Dịp Tết và hè, các em vẫn được tạo điều kiện về quê thăm bố mẹ.
Mỗi năm, mái ấm tổ chức khoảng 8 lớp tập huấn, mời chuyên gia tới dạy kỹ năng sống, sức khỏe vị thành niên, phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em cho "những đứa con" của mình... Bản thân Vân Anh đang được đào tạo để có thể đứng lớp, chia sẻ những kiến thức thu lượm được của mình với các bạn đồng trang lứa tại các mái ấm, nhà mở khác.
"Ngày trước, em đi học hay nói chuyện riêng, không tập trung, nhưng từ khi đi giảng dạy cho các bạn nhỏ tuổi hơn, em hiểu được nỗi vất vả của các thầy cô nên chăm chỉ học hành", Vân Anh chia sẻ.
Học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, không được dạy tiếng Anh, Vân Anh tự học tiếng Anh qua sách vở, internet hoặc những buổi dạy của các tình nguyện viên tại mái ấm. Tuy có thể giao tiếp với người nước ngoài nhưng vì không được học ngoại ngữ bài bản nên cô gái sắp 18 tuổi chỉ dám để ước mơ làm thông dịch viên ở sâu trong đáy lòng và đang tính tới những lựa chọn nghề nghiệp khác.
Thành lập từ năm 1992, mái ấm Hoa Hồng Nhỏ trực thuộc Hội bảo trợ trẻ em TP HCM, vốn dành riêng để tiếp cận và tiếp nhận trẻ em gái là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, bỏ học sớm, làm trái pháp luật, nghiện hút ma túy, nhiễm HIV/AIDS.
Mái ấm sẽ giúp trẻ phục hồi tâm lý, chăm sóc sức khỏe, học chữ, học nghề, tạo điều kiện giao lưu, phát huy năng khiếu thanh nhạc, vẽ, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, kỹ năng sống. Các em cũng được giáo dục giới tính, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tạo điều kiện hội nhập gia đình, cộng đồng.
Làm việc tại mái ấm từ năm 2011, chị Oanh - một trong 3 nhân viên chính thức (gồm một cô chủ nhiệm và hai cô giáo dục viên) đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng của các bé gái khi đến đây.
Một bé được sinh ra bởi cuộc hôn nhân của hai người anh em họ hàng xa không hôn thú nên không có giấy khai sinh. Sau đó, bố mẹ chia tay, mẹ từ miền Trung mang bé vào TP HCM mưu sinh, không may mẹ qua đời, bé sống với cậu mợ, bị xâm hại. Mợ và chính quyền địa phương biết chuyện, đã đưa bé vào mái ấm. Thời gian đầu mới đến đây, bé vô cùng hoảng loạn. Sự quan tâm của các cô, sự thân thiện của các bạn khiến bé dần nguôi ngoai. Cô bé được cho đi học văn hóa, học may áo dài, đến khi rời trung tâm đã có thể sống bằng công việc may với thu nhập ổn định. Giờ đây, em đã lập gia đình, trở thành người vợ, người mẹ như đa số người phụ nữ bình thường khác.
Theo quy định, Hoa Hồng Nhỏ chỉ nuôi các em đến năm 18 tuổi. Trước khi rời khỏi, các bé đều được học nghề để có thể sống ổn định với nghề. Duy trì việc chăm nuôi các bé đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, Hoa Hồng Nhỏ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Ngoài ra, các bé và các cô còn làm bánh ngọt theo đơn đặt hàng để gây quỹ cho mái ấm.
Để hỗ trợ phần nào những chi phí chăm nuôi các bé, chương trình "Tiếp sức cộng đồng - Vững vàng vượt khó" do Grab và Quỹ Hy vọng (vận hành bởi VnExpress.net) phối hợp thực hiện đã đến Hoa Hồng Nhỏ tặng 50 suất cơm mỗi ngày từ 21/5 đến 4/6. Chị Oanh cho biết, sự hỗ trợ của chương trình có ý nghĩa lớn với mái ấm, khi chỉ tính riêng chi phí ăn uống của các bé đã hơn 500.000 đồng mỗi ngày.
"Trước đây, khi có nhiều kinh phí, có những năm, mái ấm nuôi được khoảng 50 bé, nhưng do giờ kinh phí hạn hẹp, một số mạnh thường quân không tài trợ nữa, mái ấm chỉ có thể nuôi 15 em và hỗ trợ thêm 5 em ngoài cộng đồng", chị Oanh cho biết, bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng rất quý giá với Hoa Hồng Nhỏ và các em gái ở đây.
Trước đó, chương trình đã trao tặng 15.000 suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng của Covid-19 tại TP HCM và Hà Nội.
Nhờ sự ủng hộ và tiếp sức từ người dùng Grab thông qua hình thức đổi điểm GrabRewards, chương trình tiếp tục trao hơn 13.500 suất ăn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các mái ấm và trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, những nơi vẫn đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Sắp tới Grab dự kiến triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng hơn nữa để thực hiện sứ mệnh "Grab vì cộng đồng" vẫn luôn cam kết tại Việt Nam.
Kim Anh