Takashi Nakamoto, đầu bếp chuyên làm mỳ, nhanh nhẹn luộc, chan và sắp xếp các đĩa mỳ udon sao cho hấp dẫn. Ngón út bên trái bị cụt là dấu hiệu duy nhất cho thấy cuộc sống trước đây của Nakamoto.
Trong hơn 30 năm, Nakamoto tham gia Kudo-kai, tổ chức yakuza (xã hội đen) khét tiếng một thời. Nhưng những tổ chức mafia như vậy dần suy yếu, khi cơ quan hành pháp Nhật Bản ngày càng mạnh tay trấn áp. Những tay xã hội đen như Nakamoto thường dễ nhận ra nhờ xăm hình toàn thân, ngón út bị cụt do những lần phạm lỗi.
Năm 2015, khi đang chấp hành án tù, Nakamoto suy nghĩ đời mình sẽ đi về đâu. Ông mất niềm tin vào tổ chức và tương lai của yakuza, nhận ra đã tới lúc phải hoàn lương.
"Dù đã rời khỏi thế giới yakuza, tôi vẫn học được nhiều điều. Một số điều cốt lõi vẫn như vậy", Nakamoto, 55 tuổi, nói trong nhà hàng udon của mình ở Kitakyushu, thành phố miền nam Nhật Bản, quê hương của Kudo-kai.
"Tôi sẵn sàng làm mọi thứ và chết vì tổ chức của mình", ông nói. "Giờ đây, tôi chỉ chuyển mục tiêu đó vào cuộc sống và làm việc trong xã hội bình thường".
Nhưng để sống bình thường không hề dễ dàng với các cựu yakuza, những người phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và rào cản pháp lý. Chính phủ đưa ra một số chương trình hỗ trợ tài chính cho thành viên yakuza đổi nghề, nhưng nhiều cánh cửa vẫn đóng chặt.
Số lượng thành viên yakuza giảm mạnh là kết quả của một thập kỷ giới chức Nhật tăng cường trấn áp tội phạm có tổ chức và yakuza hoạt động trong các lĩnh vực như buôn bán ma túy, rửa tiền và cờ bạc.
Có khoảng 70.300 thành viên yakuza năm 2011. Con số này giảm xuống còn 25.900 năm 2020, theo Trung tâm Quốc gia về Xóa bỏ Tội phạm có Tổ chức. Sự thay đổi này khiến các thành viên lâu năm như Nakamoto có thể rời tổ chức mà không sợ bị trả thù vì vi phạm quy tắc lòng trung thành.
Một tòa án Nhật ngày 24/8 lần đầu tuyên bố tử hình một trùm yakuza là Satoru Nomura, thủ lĩnh Kudo-Kai, vì liên quan tới vụ tấn công 4 dân thường khiến một người tử vong. Bản án là thông điệp gửi tới yakuza rằng thời thế đã thay đổi.
Garyo Okita, cựu yakuza, người đang viết sách tự truyện và giám sát các dự án phim về tội phạm Nhật Bản, cho rằng "bản án có tác động đến thế giới yakuza".
"Bây giờ đã có tiền lệ tử hình, Kudo-kai sẽ không còn được coi là trường hợp đặc biệt nữa, tất cả yakuza sẽ được coi là mối đe dọa như nhau", Okita nói.
10 năm trước, yakuza hoành hành tới nỗi chính quyền phải ra sắc lệnh cấm các cá nhân, tổ chức dính líu tới hoạt động của yakuza. Với sắc lệnh này, thành viên yakuza không thể mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, mua bảo hiểm hay điện thoại được nữa, biện pháp nhằm "cô lập yakuza khỏi xã hội", theo Noboru Hirosue, chuyên gia nổi tiếng về xã hội học tội phạm và yakuza.
Okita, người rời tổ chức yakuza lớn nhất là Yamaguchi-yumi năm 2014, cho hay sắc lệnh đó cũng ảnh hưởng tới thành viên gia đình yakuza và những người quen thân của họ. Những xáo trộn này thúc đẩy các thủ lĩnh yakuza lớn tuổi nghỉ hưu sớm và nhiều người dưới quyền cũng quyết định rời đi.
"Luật có tác động lớn đến thế giới yakuza", Okita nói.
Nhưng Hirosue, người đang làm cán bộ quản chế tại Bộ Tư pháp, cho hay thay đổi này dẫn tới sự gia tăng mạnh các mạng lưới tội phạm khác ngoài yakuza. những nhóm này chuyển sang hình thức hoạt động mới, bao gồm lừa đảo người lớn tuổi, tội phạm trực tuyến và kiếm lời từ buôn bán thuốc ngủ hay morphine.
"Bây giờ, thế giới ngầm Nhật Bản bước sang một giai đoạn mới", Hirosue nói.
Motohisa Nakamizo, người rời Kudo-kai năm 2011 khi thủ lĩnh nghỉ hưu, quyết định vào làm trong công ty bất động sản của bố mẹ. Đây là công việc hợp pháp đầu tiên mà Nakamizo làm sau 30 năm quản lý đường dây ma túy của Kudo-kai.
Nhưng rất ít cựu thành viên yakuza có cơ hội như vậy. Chính quyền địa phương cấm họ mở tài khoản ngân hàng hay ký hợp đồng thuê mướn trong ít nhất 5 năm sau khi rời tổ chức.
Theo phân tích của Hirosue về số lượng cựu thành viên yakuza đăng ký rời tổ chức với cảnh sát, chỉ 3% người hoàn lương từ năm 2010 tới 2018 là tìm được việc làm. Một số người không tìm được việc lại quay về chốn cũ, một số khác gia nhập các băng đảng mới.
"Khi ra tù hoặc rời bỏ một tổ chức yakuza, bạn phải nghĩ rằng 5 năm đầu tiên sẽ không giống người khác. Người ta thường nói là bắt đầu từ con số 0, nhưng chúng tôi thì bắt đầu từ con số âm", Nakamizo, 56 tuổi, ngồi trong văn phòng ở Hakata, thành phố gần Kitakyushu, nói.
Theo một chương trình của Bộ Tư pháp Nhật, Nakamizo tuyển các cựu thành viên yakuza vào công ty bất động sản của mình. Nhưng chỉ 10% số này vượt qua được 5 năm đầu tiên. Những người còn lại thường quay về nghề cũ.
"Tôi ước cả xã hội sẽ không còn định kiến với họ, trao cho họ cơ hội làm lại", ông nói. "Nếu không, họ sẽ chẳng còn nơi nào để đi và tiếp tục sai đường".
Nhiều người đối mặt với khoảng cách học vấn khó vượt qua. Ryuichi Komura rời Yamaguchi-gyumi năm 38 tuổi, nhưng mới chỉ tốt nghiệp cấp hai, từng thụ án 4 năm tù.
"Tôi muốn thay đổi cuộc đời", Komura nói. Nhưng cơ hội tìm được việc làm ổn định rất thấp. Ông hứng thú với pháp luật nhưng không thể trở thành luật sư do từng làm yakuza. Do đó, Komura quyết định tham gia cuộc thi lấy chứng chỉ trợ lý luật sư. Ông mất 8 năm học tập và 7 lần mới thi đỗ, khi đã 46 tuổi.
Hai mươi năm trước, các thành viên Kudo-kai lao xe vào một quán trà ở Kitakyushu nhằm trả thù người chủ là Toshiyuki Tsuji vì đã tranh mua một tòa nhà mà Kudo-kai muốn mua.
Vì vậy, khi Nakamoto, đầu bếp udon muốn mở nhà hàng ở khu mua sắm Tsuji trong khi vẫn đang chịu hạn chế 5 năm, khó khăn càng lớn hơn. Nakamoto xây dựng mối quan hệ cá nhân với những người bán khác, kể lại cho họ nghe về quá khứ yakuza, tham gia nhặt rác trên đường phố, tình nguyện tham gia các sự kiện và lễ hội của khu mua sắm.
"Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu bạn chỉ ngồi không đợi qua 5 năm", ông nói. "Không thể cứ đợi người ta chìa tay ra giúp mình, ta cần phải là người chìa tay ra trước".
Tsuji rất ấn tượng và quyết định trao cho Nakamoto cơ hội. Với tư cách là người đứng đầu khu mua sắm, ông chấp thuận đề nghị mở cửa hàng của Nakamoto.
"Dù có người là cựu yakuza nhưng khi đến với tôi, tôi sẽ trò chuyện, nhìn thẳng vào mắt họ để xem họ có thực sự muốn bắt đầu lại không, đánh giá họ nghiêm túc thế nào", Tsuji nói. "Ai cũng xứng được hưởng quyền tự do cơ bản để lao động".
Vào một ngày trong đầu tuần tháng 10, lượng khách tới ăn trưa ở nhà hàng 13 chỗ ngồi của Nakamota đã ổn định. Nhà hàng nằm trong một con hẻm giữa tiệm cắt tóc và giặt là. Ông vẫn tình nguyện tham gia các lễ hội và dọn dẹp đường phố dù không ai yêu cầu.
Chiếc sơ mi đen dài tay che đi hình xăm trên cơ thể Nakamoto nhưng ông không che giấu quá khứ. Một bài báo kể về câu chuyện của ông đóng khung trên tường. Trong phòng vệ sinh là những cuốn truyện tranh Nhật Bản về một ông trùm yakuza thay đổi, trở thành ông chồng nội trợ.
Hồng Hạnh (Theo Washington Post)