Nguyên nhân là lương nhân công tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh hơn năng suất. Cộng với việc NDT đang mạnh lên, chi phí này lại càng cao. Trong khi đó, sự cải tiến lớn về năng suất tại Mỹ đã ghìm chi phí lao động xuống.
Nghiên cứu của Oxford Economics kết luận rằng sản xuất tại Trung Quốc không còn là cách chắc chắn để tiết kiệm chi phí nhân công nữa.
Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc giữ NDT ở mức thấp để tăng xuất khẩu. Vấn đề này một lần nữa trở thành tâm điểm khi xuất hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Tỷ phú Donald Trump nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc vì gây ra sự xuống dốc trong lĩnh vực sản xuất Mỹ.
Báo cáo của Oxford Economics đã đưa ra một vài con số. Như năng suất bình quân tại Mỹ tăng 40% trong giai đoạn 2003-2016. Tốc độ này tại Đức và Anh lần lượt là 25% và 30%.
Năng suất tại Ấn Độ và Trung Quốc cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, năng suất tại Mỹ vẫn cao hơn tới 90% so với 2 quốc gia đang phát triển này.
Các hãng sản xuất Mỹ cũng gặp nhiều rủi ro. Nếu đồng đôla mạnh lên, hoạt động sản xuất trong nước của các công ty này càng đắt đỏ.
Dù vậy, Mỹ vẫn đang hưởng lợi từ chi phí năng lượng thấp, môi trường chính sách ổn định và thị trường trong nước lớn. "Chúng tôi tin rằng USD phải tăng giá rất mạnh nữa, thì ngành sản xuất Mỹ mới bị mất vị trí cạnh tranh nhất thế giới", hai nhà phân tích tại Oxford - Gregory Daco và Jeremy Leonard cho biết.
Hà Thu (theo CNN)