Vào tháng 6, khi công bố MacBook Air 2022 sử dụng chip M2, Apple cho biết đây là dòng MacBook bán chạy và đạt doanh số cao nhất từ trước đến nay. Theo iMore, trở về năm 2008, khi sản phẩm lần đầu tiên ra mắt, không nhiều người nghĩ sẽ có ngày Apple đưa ra tuyên bố trên.
Từ sự hoài nghi
Trên sân khấu Macworld tháng 11/2008, CEO Apple Steve Jobs lúc đó gây ấn tượng mạnh khi kéo từ trong phong bì ra một chiếc laptop. Hành động này đủ để khẳng định với thế giới về một sản phẩm mỏng nhẹ đến mức có thể nằm trong bì thư - điều mà thị trường máy tính xách tay chưa thể làm được.
Thực tế, thị trường khi đó đã xuất hiện một số mẫu netbook nhỏ gọn, nhưng hầu hết có hiệu năng không cao, thời lượng pin kém và thiết kế không thời thượng. MacBook Air khắc phục được hầu hết nhược điểm này.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa MacBook Air không gặp vấn đề. Ổ cứng là chi tiết đầu tiên bị đem ra chế nhạo. MacBook Air 2008 được trang bị ổ HDD 1,8 inch dung lượng 80 GB và không thể nâng cấp lên SSD. Engadget nhận xét thiết bị "như một chiếc iPod phóng to". Theo thử nghiệm của trang công nghệ này, tốc độ ổ cứng chậm hơn nhiều so với các mẫu HDD 2,5 inch tiêu chuẩn có trên laptop lúc ấy và kém xa SSD.
Thiết kế quá mỏng cũng khiến Apple phải lược đi các cổng kết nối quen thuộc, chỉ còn lại một cổng USB, một cổng micro-DVI và giắc cắm tai nghe, tất cả đều giấu trong thân máy. Các cổng như HDMI, LAN hay ổ đĩa CD không còn, khiến không ít người cho rằng thiết bị mất đi tính tiện dụng.
Ngoài ra, mức giá khởi điểm 1.799 USD cũng là rào cản lớn. "MacBook Air là máy Mac chậm nhất trong các dòng sản phẩm hiện có của Apple", MacWorld bình luận. "Sản phẩm như là một món đồ chơi đắt tiền và kém hiệu quả".
Đến hành trình chinh phục dài hơi
Dù khởi đầu khó khăn, MacBook Air âm thầm được Apple sửa đổi ở các phiên bản sau. Đến 2010, hãng cho ra hai mẫu 13,3 inch và 11,6 inch, trong đó phiên bản lớn hơn bổ sung khe cắm thẻ nhớ SD hỗ trợ SDXC. Một năm sau, card đồ họa được nâng cấp, bàn phím thêm đèn nền và ổ cứng được tăng dung lượng.
Dòng MacBook Air phát triển bình lặng trong các năm 2012, 2013 và 2015. Lúc này, mọi người dường như chỉ chú ý đến MacBook Pro với hiệu năng cao, thiết kế ngày càng hoàn thiện cùng màn hình hiển thị đẹp.
Phải đến 2018, Apple mới tập trung hơn cho MacBook Air, nổi bật là màn hình Retina thay cho LCD. Ngày 30/10/2018, hãng giới thiệu MacBook Air 13,3 inch độ phân giải 2.560 x 1.600 pixel, bổ sung Touch ID. Bước sang 2020, MacBook Air đã trở thành chiếc laptop mà nhiều người mong sở hữu. Sản phẩm vẫn mỏng nhẹ và siêu di động, nhưng lần đầu tiên hiệu năng lên tầm cao mới nhờ trang bị chip "cây nhà lá vườn" Apple M1.
M1 được đánh giá là bộ xử lý đột phá dành cho laptop mỏng nhẹ. Theo các chuyên gia, chip mới cung cấp hiệu suất đáng kinh ngạc trên mỗi watt và cải tiến thời lượng pin rất nhiều so với MacBook Air chạy chip Intel. Nhờ đó, dòng sản phẩm này nhanh chóng vươn lên trở thành laptop phổ biến nhất của Apple.
Chip M2 thay đổi cuộc chơi
M2 được sản xuất trên tiến trình 5 nm thế hệ hai với 20 tỷ bóng bán dẫn, nhiều hơn 25% so với M1, trong khi bộ điều khiển cung cấp băng thông bộ nhớ hợp nhất 100 GB/giây, nhiều hơn 50%. Các lõi CPU hiệu suất cao đem đến khả năng xử lý tác vụ đa luồng nhiều hơn 18% so với chip cũ. Nhờ đó, dòng chip mới có thể thực hiện các tác vụ đòi hỏi nhiều CPU nhưng cần ít năng lượng hơn.
GPU mới có tối đa 10 lõi, nhiều hơn trên M1 hai lõi. Kết hợp với bộ nhớ đệm và băng thông lớn, GPU mang lại hiệu suất đồ họa cao hơn 25% ở cùng mức công suất và hơn 35% ở mức công suất tối đa. Với thông số này, MacBook Air M2 hoạt động hiệu quả hơn hẳn MacBook Air M1.
Nhưng MacBook Air M2 cũng có nhược điểm. Sau nhiều năm, Apple đã thiết kế lại sản phẩm. Viền máy không còn được vát mỏng hình từ sau ra trước, thay vào đó là độ dày cân bằng hơn như MacBook Pro. "Thiết kế mới dường như đã đánh mất bản sắc của dòng MacBook Air", iMore bình luận.
Bảo Lâm (theo iMore)