Andy Keirle, cư dân địa phương, chia sẻ ảnh chụp con chim mòng biển chết đau đớn với chiếc mỏ há hốc và đôi cánh rũ xuống trong tư thế treo đầu trên hàng rào ở thị trấn Bridgwater, Somerset, Anh, Sun hôm qua đưa tin. Keirle trông thấy xác của con chim khi đỗ xe để đổ xăng. Anh không rõ con chim mắc vào túi như thế nào hay nó đã ở trong tư thế đó bao lâu.
Keirle đăng bức ảnh trên Facebook cá nhân nhằm thu hút sự quan tâm đối với vấn đề rác thải nhựa. "Tôi dừng xe để đổ xăng ở trạm xăng Bristol Road tại Bridgwater và trông thấy một nạn nhân khác của rác thải nhựa. Nó đã chết khi tôi tới đó, kéo theo đám đông vây quanh lúc 7 giờ sáng. Tôi không rõ điều gì đã xảy ra với nó", Keirle viết.
"Cảnh tượng này thật tồi tệ. Đây là bức ảnh hoàn hảo cho thấy tác động của rác thải nhựa, lý do tại sao chúng ta luôn cần đóng nắp thùng rác", Jane Ashford, cư dân cũng ở Bridgwater, bình luận.
Cứ hai giờ, Hội bảo vệ động vật hoàng gia (RSPCA) lại tiếp một cuộc gọi thông báo về động vật bị tổn thương bởi rác thải nhựa và tổng số cuộc gọi với nội dung như vậy trong năm 2017 là 5.081. "Số lượng tai nạn liên quan tới rác thải mà chúng tôi chứng kiến thật sốc, đặc biệt là các trường hợp bị thương hay tử vong hoàn toàn có thể tránh khỏi", Llewelyn Lowen, cán bộ thông tin của RSPCA, chia sẻ.
Rác thải nhựa được tìm thấy ở những địa điểm xa xôi nhất trên thế giới, từ rãnh đại dương Mariana ở độ sâu gần 11.000 mét bên dưới mức nước biển đến băng Nam cực. Đặc biệt, những hạt vi nhựa có thể bị hấp thụ vào cơ thể người. Rác thải nhựa không tự phân hủy và có thể tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.