Bệnh nhân cho biết bị béo phì từ nhỏ, từng nỗ lực giảm cân nhưng chưa thành công. Thấy cơ thể mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh được chẩn đoán đái tháo đường type 2.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết người lớn, nói đây là trường hợp ít gặp tại bệnh viện bởi thông thường đái tháo đường type 2 sẽ xuất hiện ở người độ tuổi trung niên.
"Với độ tuổi 22, nguy cơ chính dẫn đến đái tháo đường type 2 là trên nền thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài với những biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều", bác sĩ Tuấn nói, ngày 2/4.
Ngoài việc kiểm soát đường huyết bằng insulin, mục tiêu kiểm soát cân nặng cho bệnh nhân trên cũng cần phải chú trọng. Chế độ ăn uống và chế độ vận động phù hợp tác động rất lớn đến quá trình điều trị của bệnh nhân, theo bác sĩ.
Hiện nay, đái tháo đường type 2 có xu hướng trẻ hóa. Căn nguyên do tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxy hóa, chất bảo quản, chất độc...
Tiểu đường, còn gọi đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc đái tháo đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất hormone insulin một cách thích hợp, gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.
Tại Việt Nam, 7,3% dân số mắc bệnh này, tức khoảng 7 triệu người. Còn tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Cộng đồng có hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh.
Để phòng tránh béo phì và đái tháo đường, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cân đối nhu cầu năng lượng của cơ thể, tăng cường tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngay khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lê Nga