Năm 2013, Mạc Ngôn trở thành cây bút mang quốc tịch Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Sau khi giải thưởng được công bố, bên cạnh những lời chúc mừng nồng nhiệt, không ít đồng nghiệp trong và ngoài nước lên tiếng chỉ trích dữ dội nhà văn và Viện Hàn lâm Thụy Điển. Người ta gọi ông là "nhà văn quốc doanh", "bồi bút" vì quá thân cận với chính quyền. Nhiều nhà văn phương Tây thậm chí còn coi Nobel Văn học 2012 là một "thảm họa".
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo Đức - Spiegel - Mạc Ngôn đã đáp trả những luận điểm này.
- Bút danh của ông - Mạc Ngôn - nghĩa là "không nói". Ông dường như luôn kín tiếng và dè dặt khi xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là trước các nhà báo. Tại sao lại như vậy?
- Vì tôi không thích đưa ra các phát ngôn chính trị. Tôi là một nhà văn viết rất nhanh, nhưng nghĩ rất kỹ. Trước khi phát biểu trước công chúng, tôi luôn phải tự hỏi xem mình đã hiểu rõ điều mình định nói chưa. Quan điểm chính trị của tôi rất rõ ràng, chỉ cần đọc sách của tôi là thấy.
- "Ếch" là tiểu thuyết đầu tiên của ông được dịch ra tiếng Đức, ngay sau khi ông được trao giải Nobel. Cuốn sách đề cập đến chính sách "một con" đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn một tỷ người dân Trung Quốc. Quan điểm của cá nhân ông về chính sách này?
- Là một người cha, tôi luôn cảm thấy người ta có quyền sinh bao nhiêu con tùy thích. Tuy nhiên, là một công dân, tôi tuân thủ quy định của nhà nước: chỉ một con, không hơn. Tình trạng dân số của Trung Quốc là vấn đề không dễ giải quyết. Tôi chỉ chắc chắn một điều rằng: Không nên cấm người ta sinh nở bằng các phương pháp bạo lực.
- Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra trong cuốn "Ếch". Ông lấy cảm hứng từ đâu để viết cuốn sách này?
- Đó là câu chuyện đời có thật từ người dì của tôi. Dì là bác sĩ phụ khoa, làm việc hàng chục năm trời ở Cao Mật quê tôi và đã chứng kiến những chuyện không thể nói ra. Tôi cảm thấy sự thôi thúc từ bên trong là phải viết về chúng.
- Bác sĩ Wan - nhân vật chính trong tiểu thuyết - là một người phức tạp, thậm chí là kẻ quái đản bị ám ảnh bởi những việc mình đã làm. Người dì đó phản ứng thế nào khi đọc cuốn tiểu thuyết này của ông?
- Dì tôi chưa đọc. Tôi dứt khoát đề nghị dì không nên đọc nó bởi nếu đọc, dì có thể giận điên lên với tôi. Tất nhiên, không phải mọi chuyện xảy ra trong "Ếch" đều xuất phát từ những câu chuyện có thật của dì. Thực tế, dì có tới 4 đứa con. Tôi đã đưa thêm vào cuốn sách chuyện của các bác sĩ khác và những gì tôi tận mắt chứng kiến.
- Có rất nhiều "những điều không thể nói ra" đã xảy ra trong tác phẩm của ông. Trong "Củ tỏi nổi giận", chẳng hạn, có một phụ nữ đang mang bầu đã phải treo cổ tự tử. Tuy nhiên, "Ếch" dường như vẫn là cuốn sách "đau đớn, lạnh lùng" nhất của ông. Tại sao ông mất nhiều thời gian để hoàn thành cuốn này như vậy?
- Ý tưởng viết cuốn sách này được tôi ấp ủ trong thời gian dài và viết ra tương đối nhanh. Anh nói đúng. Tôi thấy rất nặng nề khi viết Ếch. Tôi coi đây như là cuốn sách tự phê bình.
- Theo nghĩa nào? Ông đâu có phải chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề bạo lực hay chuyện phá thai được đề cập đến trong tác phẩm.
- Trung Quốc đã trải qua những thay đổi to lớn trong nhiều thập kỷ qua và phần lớn chúng tôi đều tự coi mình là nạn nhân. Rất ít người tự hỏi mình rằng: ‘Ta từng làm gì để tổn thương người khác chưa?’. Ếch đối diện với câu hỏi đó, khả năng đó. Ví dụ, khi mới 11 tuổi, học tiểu học, nhưng tôi đã tham gia đội sao đỏ, công khai chỉ trích thầy giáo của mình. Rồi lớn lên chút nữa, tôi ghen tỵ với thành công, tài năng và may mắn của người khác. Khi đã có gia đình, tôi từng yêu cầu vợ đi phá thai vì sợ đứa con sẽ ảnh hưởng đến tương lai của tôi. Tôi có lỗi.
- Khi đoạt giải thưởng hòa bình của German Book Trade năm ngoái, nhà văn Trung Quốc Liêu Diệc Vũ chỉ trích ông là "nhà văn quốc doanh", quá thân cận với chính quyền. Ông nghĩ sao?
- Tôi đã đọc lời phát biểu đó trên báo và đọc cả diễn từ nhận giải của ông ấy [...]. Tôi biết ông ấy ghen tỵ với giải Nobel của tôi và tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác đó. Nhưng sự chỉ trích của ông ấy như thế là không công bằng.
- Nhưng ông là phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc. Một người đảm nhận vị trí đó làm sao có thể không gần gũi với chính quyền?
- Đây là một chức danh danh dự mà trước khi tôi đoạt giải Nobel thì không thấy ai kêu ca gì cả. Có những người cho rằng giải Nobel chỉ nên trao cho những người có lập trường trái ngược với chính quyền. Như thế là đúng à? Tại sao Nobel văn chương lại không vì văn chương, vì những thứ các nhà văn đã viết ra?
- Một người khác chỉ trích ông là Ngải Vị Vị - một nghệ sĩ Trung Quốc rất nổi tiếng tại Đức.
- Ông ấy nói gì về tôi?
- Ông Ngải cũng cáo buộc ông quá gần gũi với chính quyền nhà nước, xa rời thực tế và không thể đại diện cho Trung Quốc hiện tại. Ông nghĩ sao?
- Thế rất nhiều nghệ sĩ ở Trung Quốc đại lục không phải là người của nhà nước sao? Các giáo sư đang giảng dạy tại các đại học thì thế nào? Và liệu có trí thức nào có thể tự xưng mình đại diện cho Trung Quốc? Tôi chắc chắn không xưng như vậy. Còn Ngài Ngải Vị Vị có làm thế được không?
Huyền Anh lược dịch