Một tuần sau khi giải Nobel Văn học được công bố (11/10), hầu như tờ báo nào ở Trung Quốc (có cả các hãng tin nước ngoài) cũng cử phóng viên xuống tận Cao Mật, Sơn Đông, quê hương của Mạc Ngôn để tìm gặp chủ nhân giải Nobel.
Đây thực sự là một ngày hội báo chí mà chẳng ai muốn mình đứng ngoài cuộc. Hàng nhóm nhà báo thay nhau canh cửa trước ngôi nhà của Mạc Ngôn. Sau nhiều ngày "chầu chực" trong tuyệt vọng, họ kéo nhau về tòa soạn sau khi nghe phong thanh nhà văn đã đến Bắc Kinh.
Theo Chinadaily, cuộc săn lùng ráo riết trở lại khi Mạc Ngôn trở về Cao Mật để tham dự Festival Văn hóa Cao Lương Đỏ lần thứ ba, đây là lễ hội được đặt tên theo một trong những cuốn tiểu thuyết của ông. Hầu hết phòng trong các khách sạn lớn của thành phố đã được đặt hết. Một số hãng truyền thông "mai phục" trong thành phố nhiều tuần chỉ để đợi Mạc Ngôn xuất hiện. Thậm chí chính bản thân Mạc Ngôn từng phải thốt lên rằng "Đã đến lúc cần giảm nhiệt cơn sốt Mạc Ngôn".
Nhà báo từ các loại tạp chí, báo giấy, các chương trình truyền hình, từ tạp chí văn học cho đến báo kinh doanh hàng tuần, tất cả đều mong gặp được Mạc Ngôn. Điều này không gây ngạc nhiên chút nào. Vì sự kiện Mạc Ngôn là công dân Trung Quốc đầu tiên sống ở đại lục thắng giải Nobel Văn học đã trở thành sự kiện quốc gia, và các hãng truyền thông đương nhiên rất quan tâm đến điều đó.
Nhưng khi cả các hãng truyền thông và cư dân mạng đều săn lùng ráo riết Mạc Ngôn, sự kiện quan trọng ban đầu đã bị biến thành một trò hề. Nhiều tờ báo tọc mạch cả vào đời tư của nhà văn, từ hy vọng mua một ngôi nhà đến những kỷ niêm buồn khổ trong tuổi thơ của ông như ông từng bị ngã vào hố phân và là một đứa trẻ hay đái dầm...
Mạc Ngôn tránh mặt phương tiện truyền thông nên gia đình ông, họ hàng và thậm chí cả ngôi nhà cũ của ông cũng trở thành nạn nhân của đám nhà báo.
Đội quân truyền thông lũ lượt kéo đến ngôi nhà cũ của Mạc Ngôn ở làng Bình An, tiến hành phỏng vấn liên tục từ cha ông, anh trai, dì và các họ hàng thân thích khác.
Chắc chắn gia đình Mạc Ngôn rất tự hào và vui mừng được chia sẻ những điều họ biết về người thân yêu của họ với giới truyền thông, nhưng những cuộc viếng thăm không ngừng đã khiến họ mệt mỏi.
Người cha già đã 90 tuổi của Mạc Ngôn nói ông không thể ngủ được trong nhiều ngày sau khi giải thưởng được công bố, vì nhà của ông luôn bị bao vây bởi các nhà báo cả ngày và đêm, ông phải trả lời các cuộc phỏng vấn bất tận.
Có lần, hàng chục nhà báo đến vào lúc ăn trưa và hỏi nhiều câu hỏi đến nỗi cả gia đình không thể ăn nổi.
Ở trong thành phố có nhiều thông tin khác nhau về nơi ở của Mạc Ngôn. Một vài nhà báo sau đó mới biết rằng gia đình Mạc Ngôn đã cố tình cho thông tin sai. Một người thốt lên: "Tôi không thể tin được họ lại nói dối". Nhưng nếu họ nói dối, là vì họ bắt buộc phải như thế. Họ chỉ muốn tiếp tục cuộc sống bình thường mà không bị giám sát khi ra hỏi nhà và liên tục bị hỏi "Mạc Ngôn ở đâu?".
Bây giờ họ lại phải chịu đựng điều đó vì lễ hội này. Một quan chức địa phương đã thuyết phục cha của Mạc Ngôn đồng ý tu sửa lại ngôi nhà cũ tồi tàn của gia đình. Vị này nói: "Con trai bác bây giờ không đơn thuần là con của bác nữa, và ngôi nhà cũng không đơn thuần là nhà bác nữa". Mọi thứ về Mạc Ngôn đã trở thành tài sản công cộng chỉ qua một đêm, ông và gia đình ông bắt buộc phải chấp nhận điều đó.
Giá sách của ông tăng, giá bản thảo tăng và thậm chí cả chai rượu có thương hiệu giống tên ông cũng tăng vọt. Quê hương ông đang hy vọng vào tương lai du lịch văn hóa dựa trên sự nổi tiếng của Mạc Ngôn.
Nhưng gần đây, Mạc Ngôn đã nói ở một diễn đàn rằng giải thưởng và các sự kiện xung quanh nó là một tấm gương để nhìn cả thế giới và bản thân ông, còn ông dường như là người ngoài cuộc trong làn sóng truyền thông này.
Lê Phượng