![]() |
Bị cáo Tôn và Ánh trước vành móng ngựa. |
Sáng 22/3, nghe xong cáo trạng, ông Mạc Kim Tôn suy sụp. Cảnh sát bảo vệ phải cử người mua nước khoáng để ông uống lấy lại bình tĩnh. Trái với ông Tôn, bị cáo Trần Thị Ánh trình bày trước tòa trôi chảy như một “nhà hùng biện”, lý giải cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Ánh nhiều lần bị chủ tọa Nguyễn Khắc Sơn, Phó chánh án TAND tỉnh Thái Bình, nhắc nhở vì không trả lời thẳng vào câu hỏi của HĐXX.
Trần Thị Ánh luôn nói không có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị bán thiết bị tin học và 46 đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Do ông Tôn thấy Ánh tặng 10 bộ máy vi tính cho trường THCS Minh Thành nên đề nghị Ánh giúp đỡ trang bị máy tính cho một số trường khác. Vì nể vị giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo nên Ánh nhận lời.
Ánh còn khai, ông Tôn biết số máy tính tặng THCS Minh Thành là do Ánh được Công ty TNHH Việt Ba (nơi Ánh làm việc) trả thay lương. Bị cáo mang về quê "tặng" một số đơn vị, chứ không có dự án trang bị máy tính cho các trường. Đại diện VKS duy trì công tố tại tòa chất vấn: "Kinh tế không dư giả, bản thân phải đi làm thuê để nuôi các con, lấy đâu ra tiền để tặng máy tính cho các đơn vị?". Ánh im lặng.
Ban giám đốc nhất trí buộc các trường chi 20% dự án
Trước công đường, "ông nghị" Mạc Kim Tôn không còn giữ được bình tĩnh, nhầm lẫn về cách xưng hô; khi là tôi, bị can, lúc lại là bị cáo. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Khắc Sơn phải nhiều lần nhắc nhở. Ông Tôn một mực cho rằng bị Ánh lừa nên luôn tin có dự án thiết bị tin học cho ngành giáo dục tỉnh Thái Bình. Đến khi bị bắt, ông mới biết đây là dự án ma.
Cũng theo ông Tôn, để ông tin dự án là có thật, Ánh phao tin 2 tỷ đồng của dự án đã chuyển về kho bạc của tỉnh. “Cô Ánh lừa tôi nên mới có kết cục đau khổ như ngày hôm nay...”, ông Tôn nghẹn giọng. Đối chất trước tòa, Ánh thừa nhận, đã nói như vậy để ông Tôn yên tâm.
“Ông nghị” khai không vụ lợi cá nhân trong phi vụ này, thấy có lợi cho ngành giáo dục của tỉnh thì đồng ý cho Ánh triển khai dự án. Theo ông Tôn, việc các trường chi 20% kinh phí dự án đã đưa ra Ban giám đốc Sở Giáo dục đào tạo bàn và nhận được sự thống nhất tập thể. “Anh Nguyễn Đương Bắc (Phó giám đốc) còn nói rằng, như thế vẫn có lợi, cho dù 20% chứ 30% cũng cứ chi...”, ông Tôn khai.
Ông Tôn khai một mình điều hành phân phối “dự án” và bắt các trường phải làm tờ trình xin cấp máy, không có sự tham gia của tập thể ban giám đốc Sở. “Ông cũng thừa nhận việc cầm tiền “cảm ơn” của một số đơn vị sau khi lắp đặt máy vi tính.
Chủ tọa Nguyễn Khắc Sơn thẩm vấn: "Với tư cách giám đốc Sở, khi nhận tiền bị cáo có nghĩ đó là tiền của Nhà nước hay không?". Ông Tôn trả lời, số máy các đơn vị được tài trợ cả trăm triệu đồng, việc cảm ơn 8-10 triệu đồng không đáng kể.
![]() |
Hàng nghìn người dân tới theo dõi phiên tòa. |
Ánh “vẽ” cho ông Tôn làm tờ trình UBND tỉnh
Ông Tôn thừa nhận đã làm tờ trình lên UBND tỉnh Thái Bình để cơ quan này làm công văn gửi Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch đầu tư... “xin” dự án. Ông khai rằng Ánh đã “tham mưu” trong việc này. “Tôi thắc mắc là nếu có làm công văn thì chỉ gửi tới Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Giáo dục chứ sao lại gửi Chính phủ và Bộ Ngoại giao, Ánh bảo em làm dự án quen rồi nên thày cứ làm theo như thế...”, ông nói.
Còn Trần Thị Ánh khai không chuyên làm dự án phi chính phủ cho các tỉnh, nhưng do có quen một số người trên Hà Nội nên bảo ông Tôn trình UBND tỉnh làm công văn gửi đến những nơi đó.
Ánh bao ông Tôn đi du lịch bằng tiền thu của các trường
Tại tòa, Ánh khai đã cùng gia đình ông Tôn đi chơi ở một số nơi. Số tiền chi tiêu trong những cuộc “dã ngoại” đó chủ yếu là do Ánh và Công ty Kiên Cường chi trả từ “quỹ” thu tiền vận chuyển (400.000 đồng) của các trường. Trong số những lần chi trả tốn kém đó, có một lần vợ ông Tôn đưa cho Ánh 2 triệu đồng.
Ánh cũng không quên nhắc lại 13 đồ vật đã biếu ông Tôn và vợ, trị giá 63 triệu đồng. Ông Tôn chỉ thừa nhận đã cầm của Ánh 5 đồ vật. “Đến khi thấy dự án bị trục trặc (tháng 5/2006), tôi đã trả tiền cho bị cáo Ánh...”, ông Tôn khẳng định.
Tuy nhiên, tháng 6/2006, ông Tôn vẫn tiếp tục bút phê vào thư tay của Ánh, chỉ đạo cấp dưới là ông Trần Văn Điền, Phó giám đốc Sở, ký hợp đồng vận chuyển máy tính của Công ty Kiên Cường. Ánh khai ông Tôn đã đọc cho cô ta viết bức thư tay đó.
Với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại tòa, Phó giám đốc Công ty Kiên Cường, Nguyễn Văn Cường, yêu cầu Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình thanh toán tiền bán hơn 267 máy, cùng hơn 900 triệu đồng tiền lãi và các chi khác. Doanh nghiệp này đòi bồi thường danh dự và những tổn thất mà công ty này phải gánh chịu sau khi dính vào vụ án.
Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa hỏi tới hợp đồng kinh tế mua máy tính giữa Công ty Kiên Cường và Sở Giáo dục đào tạo, đại diện công ty không trình ra được.
Sáng nay, tòa tiếp tục làm việc và sẽ tuyên mức án với bị cáo Mạc Kim Tôn và Trần Thị Ánh.
Anh Đức