Vào đầu năm ngoái, Stacey (42 tuổi, ở Leicester) quyết định ly hôn Dev, chồng cô. Người mẹ ba con bắt đầu tìm hiểu giá các căn hộ cho thuê và nghiên cứu quyền lợi sau ly hôn. Nhưng sau đó, khủng hoảng kinh tế kéo theo mặt bằng chi phí sinh hoạt tăng vọt khiến mọi thứ thay đổi.
Chồng Stacey là trụ cột kinh tế gia đình, lương gấp đôi cô còn Stacey không thể sống độc lập sau ly hôn. "Hôn nhân của tôi rất không hạnh phúc. Tôi đau khổ nhưng không thể làm gì được", Stacey nói.
Trung bình, một vụ ly hôn ở Anh tiêu tốn 14.500 bảng (gần 409 triệu đồng) phí pháp lý. Đây là gánh nặng quá lớn trong bối cảnh các gia đình vật lộn với sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, tính đến tháng 1, giá gas tăng 129%, giá điện tăng 67%, trong khi giá thực phẩm và đồ uống tăng 17%.
Khi khủng hoảng tài chính, phụ nữ luôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bất bình đẳng thu nhập theo giới vẫn tồn tại ở Anh. Phụ nữ trung bình kiếm được ít hơn 8,3% so với nam giới.
Nghiên cứu từ hiệp hội Fawcett cho thấy 35% phụ nữ muốn được trả lương cao hơn nhưng không thể do thiếu các lựa chọn làm việc linh hoạt, trách nhiệm chăm sóc và dịch vụ chăm sóc trẻ em hợp túi tiền. Với phụ nữ da màu, con số này tăng lên 43%.
Đàn ông có nhiều điều kiện để tiết kiệm hơn phụ nữ. Họ có trung bình 30.000 bảng tiền tiết kiệm, so với 27.000 bảng của nữ.

Ảnh minh họa: Good Therapy
Kết quả khảo sát của công ty luật Slater + Gordon cho thấy 35% người dân nói rằng khủng hoảng chi phí sinh hoạt cản trở họ làm thủ tục ly hôn. Đây là lý do phổ biến nhất, hơn cả những lo lắng về con cái.
Hôn nhân của Stacey rạn nứt sau khi cô sinh ba đứa con. Dev bực bội vì không còn ở vị trí ưu tiên của vợ. "Chúng tôi cãi nhau và thấy nên kết thúc mọi chuyện", cô kể.
Cô dự định thuê một ngôi nhà nhỏ và ra đi vào mùa hè. Nhưng khi mọi thứ đều tăng giá, tiền nợ mua nhà tăng 350 bảng, Stacey không thể lấy cắp tiền chung cho vào "quỹ chạy trốn" của mình nữa.
"Tôi không thể tiết kiệm để đặt cọc. Tôi nhận ra mình cũng không bao giờ thuê được ngôi nhà đủ cho tôi và các con sống. Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại", cô nói.
Bị mắc kẹt trong hôn nhân không hạnh phúc, Stacey tìm đến người khác để an ủi. Ban đầu, cô chỉ nhắn tin với một chàng trai trên Instagram, nhưng giờ thân mật với anh ta. "Tôi thấy thật tệ khi nói dối Dev, nhưng tôi khát khao tình yêu và sự quan tâm không nhận được ở nhà", cô thừa nhận.
Cảnh ngộ Stacey gặp phải cũng giống Judy ở London. Sau khi bị tuyên bố phá sản cách đây 5 năm, cuộc hôn nhân của chị và Simon bắt đầu rạn nứt. Mâu thuẫn trầm trọng hơn do khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Người phụ nữ 55 tuổi cho biết, chồng chị luôn quan tâm đến tiền bạc. Thu nhập của anh khoảng 60.000 bảng một năm và từ lần đầu họ gặp nhau, anh đã tiết kiệm nửa thu nhập hàng tháng của mình.
Khi Judy không thể trả nợ một bất động sản do mình đứng tên, vợ chồng chị bị đuổi khỏi nhà. Từ đó, tiền là lý do chính dẫn đến căng thẳng. "Chúng tôi tranh cãi mọi lúc và cuộc sống không còn vui vẻ nữa", chị kể.
Judy đầu tư vào ba công ty mới thành lập với hy vọng mang lại doanh thu sớm, chồng chị trở thành người thanh toán mọi hóa đơn. "Nhưng hóa đơn của gia đình tôi tăng 40% trong năm qua và tiền thực phẩm tăng khoảng 18%", chị kể.
Phải một mình lo hết mọi chi phí đang tăng gây ra những oán hận. "Năm qua, chúng tôi chỉ đi chơi với nhau hai lần. Nó kéo chúng tôi ra xa nhau. Nếu có thể, tôi muốn bỏ chồng", Judy nói.
Chị thừa nhận chồng là người tốt, hỗ trợ mình trong mọi hoàn cảnh tài chính, nhưng thấy họ không còn là một cặp nữa.
Tổ chức tư vấn Resolution Foundation tuyên bố khủng hoảng chi phí sinh hoạt mới đi một nửa chặng đường, nên bế tắc của các cặp vợ chồng vẫn còn kéo dài.
Không thể ly hôn, Stacey cố gắng "hợp tác" với chồng để quản lý tài chính. Cũng nhờ vậy, hôn nhân của họ bớt căng thẳng hơn. "Từ lâu, chúng tôi không bật máy sưởi nên cùng nhau ngồi trên ghế sofa và chúng tôi hủy đăng ký TV nên nói chuyện nhiều hơn", người vợ nói.
"Ai biết được tương lai sẽ ra sao. Có lẽ điều gì đó tốt đẹp sẽ đến từ tất cả những tồi tệ này", cô hy vọng.
Nhật Minh (Theo Metro)