Hơn 27 triệu người ở thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận nhận được thông báo về lệnh phong toả chỉ 24 giờ trước thời điểm thi hành, trong đó yêu cầu đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh, dừng phương tiện giao thông công cộng và các chuyến bay nội địa để ngăn chặn Covid-19 lan rộng.
Damaso quyết định rời Manila sau khi đợt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 3 đã tàn phá nền kinh tế và khiến hàng triệu người lao động như anh mất việc. Không còn nơi nào để ở, hôm 1/8, anh tới sân bay cùng hai người đồng nghiệp cũ và dự định lên máy bay về nhà ở thành phố Zamboanga, phía nam Philippines, vào hôm nay.
Tuy nhiên bây giờ anh bị mắc kẹt ở sân bay, nơi nhiều nhân viên mặc đồ bảo hộ trắng kín mít tìm cách xoay xở với những người mắc kẹt.
"Chúng tôi hết sạch tiền. Chúng tôi không thể rời sân bay bởi không có người thân nào ở đây", Damaso, 36 tuổi, nói khi co ro trong chiếc khăn quấn quanh vai vì điều hòa quá lạnh. "Chúng tôi sẽ phải ở đây hai tuần cho tới khi chuyến bay được nối lại".
Tổng thống Rodrigo Duterte đã miễn cưỡng tái áp đặt lệnh cách ly ở nhà và nhiều biện pháp khác trước lời khẩn cầu của các nhân viên y tế bị quá tải bệnh nhân. Họ cảnh báo Philippines đang thất bại trong cuộc chiến chống nCoV.
Số ca nhiễm ở Philippines đã vượt 100.000, tăng gấp 5 lần kể từ tháng 6 khi nước này nới lỏng một trong số lệnh phong tỏa dài nhất thế giới. Philippines hiện báo cáo hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, với thủ đô Manila và thành phố Cebu là hai điểm nóng.
Chính phủ cho rằng đợt bùng phát mạnh này là do người dân không tuân thủ các biện pháp ngăn ngừa virus lây lan. Cảnh sát Philippines đã được triển khai để buộc những người dương tính với nCoV và không thể tự cách ly tại nhà vào các khu cách ly tập trung do chính phủ điều hành. Cảnh sát cũng được bố trí tại các chốt an ninh để đảm bảo chỉ người có thẻ thông hành đặc biệt mới được ra ngoài đi làm hoặc mua sắm nhu yếu phẩm, số còn lại phải ở nhà theo lệnh phong tỏa.
Một quan chức thành phố Quezon còn đe dọa "bắn bỏ" bất kỳ ai vi phạm lệnh phong tỏa, làm dấy lên phẫn nộ. Ông sau đó đã rút lại tuyên bố của mình trên Facebook.
Lệnh phong tỏa mới, ảnh hưởng tới 1/4 dân số Philippines, khiến phần lớn nền kinh tế nước này bị đóng cửa, Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống nói và cảnh báo sự "sụt giảm lớn" các hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm nay.
Hiệu cắt tóc, rạp chiếu phim, phòng gym đều bị đóng cửa, trong khi nhà hàng chỉ được nhận đơn mua về. Các hoạt động kinh doanh khác được phép hoạt động nhưng ở mức độ hạn chế. Nhiều người đến từ các tỉnh thành khác đang cố gắng rời Manila, nhưng yêu cầu xét nghiệm nCoV bắt buộc khiến họ gặp khó khăn.
Sau khi mất việc, Gina Balos và gia đình cô dự định bay về Butuan, thành phố phía nam Philippines, nơi có sân bay gần nhất với quê nhà cô ở đảo Dinagat. Họ dùng tiền tiết kiệm để mua vé, bỏ căn nhà trong khu ổ chuột mà 5 tháng nay chưa trả tiền thuê, đồng thời bán một số đồ đạc để có tiền ra sân bay.
Tuy nhiên, họ không có tiền để trả chi phí xét nghiệm nCoV nên không được phép lên chuyến bay hôm 3/8. Sau đó, họ nhận được thông báo về lệnh phong tỏa mới.
"Chúng tôi đã bị mắc kẹt ở đây từ hôm qua vì yêu cầu xét nghiệm nhanh của tỉnh. Chi phí cho 11 người chúng tôi quá nhiều", Balos, 45 tuổi, nói. "Chúng tôi không có tiền. Một thành viên gia đình tôi còn dự kiến sinh con vào tháng 8 này".
Thanh Tâm (Theo AFP)