Đây là nội dung Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế ban hành ngày 9/2, hiệu lực từ 1/4. Theo đó, bệnh Covid-19 nghề nghiệp được định nghĩa là bệnh phát sinh trong quá trình làm việc do người lao động phải tiếp xúc với nCoV.
Người có công việc thường tiếp xúc nCoV được chia thành ba nhóm. Nhóm một là người làm việc tại cơ sở y tế. Nhóm hai là người làm việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa nCoV.
Nhóm ba là người làm công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm nCoV. Nhóm này có thể là người làm việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà.
Người vận chuyển, phục vụ bệnh nhân; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh; người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19, cũng thuộc nhóm ba. Ngoài ra, nhóm này còn có nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; quân nhân, công an hoặc người được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo Bộ Y tế, người mắc Covid-19 trong quá trình lao động từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/4 gồm 35 bệnh, trong đó có viêm phế quản mạn tính, hen, nhiễm độc chì, nhiễm độc nghề nghiệp do benzen, nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp...
Việt Nam ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên vào đầu năm 2020. Đến nay, cả nước có hơn 11,5 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ một triệu người có 116.485 ca nhiễm. Việt Nam ghi nhận 43.186 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm.
Lê Nga