"Mẹ tôi cũng mắc ung thư khi tôi mới 7 tuổi. Bố bỏ lại gia đình khi biết tin, tôi bỗng trở thành trụ cột gia đình từ khi còn bé. Vì thế khi được chẩn đoán ung thư, tôi đã rất sốc", Amuz kể. "Tôi không dám nói với mẹ".
Amuz 33 tuổi, sống tại Birmingham, Anh, có lối sống lành mạnh, thích thể thao, phát hiện mắc ung thư bàng quang cách đây ba năm khi nước tiểu lẫn máu. Anh được hóa trị, tới viện khám định kỳ mỗi 6 tháng. Chỉ một tháng sau phẫu thuật, Amuz tham gia vào đội tuyển boxing quốc gia và giành huy chương vàng.
Anh cho biết ung thư vẫn được coi là căn bệnh nguy hiểm nhất không ai muốn mắc, vì vậy không muốn kể lể về bệnh tình của mình để người khác lo lắng. "Tôi cho rằng người châu Á rất xem nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của ung thư tới cảm xúc, sức khỏe tâm thần người bệnh. Họ cho rằng chỉ cần điều trị hết bệnh là xong".
Tuy nhiên, phải che giấu, dồn nén cảm xúc trong khoảng thời gian khó khăn khiến Amuz gần như suy sụp. Anh uống rượu rất nhiều. "Một người mạnh mẽ như tôi cũng có lúc yếu đuối, tổn thương khi nghĩ về căn bệnh quái ác", Amuz bộc bạch.
Khi tham gia chương trình Who Dares Wins, Amuz mới nhận ra thói quen uống rượu và thái độ tiêu cực của mình. "Tôi hiểu cần chia sẻ và chấp nhận với những gì đã trải qua", anh nói. Anh cũng hy vọng mọi người có thể bắt đầu cởi mở hơn về ung thư.
Raveen Sethi 24 tuổi, thực tập sinh cố vấn tài chính, được chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin giai đoạn 4, các tế bào đã di căn tới phổi phải.
"Tôi thấy ung thư là một chủ đề luôn bị kiêng kỵ trong cộng đồng người Nam Á. Người Nam Á thường bị sốc khi được chẩn đoán mắc ung thư, bởi cứ nhắc tới ung thư họ liền liên tưởng tới cái chết", Raveen nói. "Vì thế, tôi cảm thấy nhiều người rất muốn đề cập tới căn bệnh trước mặt tôi nhưng lại không biết nên nói thế nào".
Theo cô, ung thư không đồng nghĩa với cái chết, song, rất nhiều người Châu Á lai cố ý lảng tránh căn bệnh này. Họ không hiểu có nhiều loại ung thư, tiên lượng sống của mỗi loại ung thư cũng không giống nhau.
Raveen chia sẻ có rất nhiều điều cô lo lắng từ khi mắc bệnh.
Cô từng rất phân vân có nên đông lạnh trứng trước khi điều trị ung thư hay không. "Nhiều người hỏi tôi tại sao tôi vẫn chưa sinh con" mà không hề nghĩ tới những lý do riêng như bệnh tật, hay chỉ đơn giản chưa muốn có con. Cuối cùng, Raveen quyết định không trữ trứng, hoãn thời gian điều trị, lựa chọn tiêm hóa trị hàng tháng để bảo vệ buồng trứng.
Cô cũng cảm thấy tổn thương mỗi khi ai đó nhận xét về ngoại hình, rằng cô đã gầy đi nhiều thế nào sau mỗi lần hóa trị.
Tuy nhiên, cô may mắn luôn có gia đình bên cạnh chăm sóc tận tình, đặc biệt những lần làm hóa trị. Chị gái luôn giúp cô chải mái tóc ngày một thưa dần, giấu những búi tóc rụng vào túi áo để Raveen không buồn.
Kết thúc đợt điều trị năm 2018, căn bệnh của Raveen đang dần được kiểm soát, song cô vẫn lo lắng bệnh sẽ tái phát. Cô chia sẻ mong muốn các bệnh nhân ung thư mở lòng hơn với căn bệnh, cho biết rất vui và hài lòng khi liên lạc với cộng đồng bệnh nhân ung thư châu Á, cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm về căn bệnh.
Khi bác sĩ Daksha Trivingi được chẩn đoán ung thư thực quản, bà có cảm giác bị sét đánh ngang tai lần thứ hai, vì mới trước đó một tháng, em trai cô vừa qua đời vì ung thư dạ dày.
Bước ra từ phòng khám, bà thấy mẹ mình ngồi trên băng ghế chờ, đang vừa khóc vừa cầu xin, nói với Thượng Đế "cuộc đời bà đã đủ cực khổ lắm rồi". Cô và chồng quyết định không nói sự thật về căn bệnh cho người mẹ 88 tuổi.
"Mẹ tôi đã mất hai người con, anh trai tôi cũng đã qua đời cách đây 22 năm sau cơn đau tim. Chúng tôi không muốn mẹ bị sốc", bà nghẹn ngào. "Rất khó để nói với mẹ khi mà chính tôi cũng không tin vào tương lai".
Thay vào đó, Daksha nói với mẹ rằng có một khối u bất thường, cần được chiếu chụp và làm thêm xét nghiệm. Sau đó dần dần gián tiếp nói về căn bệnh ung thư.
"Cho rằng ung thư đem lại những điều tồi tệ nhất là một vấn đề xã hội nghiêm trọng", Daksha nói. "Tôi nghĩ thiếu kiến thức về ung thư trong cộng đồng là nguyên nhân gốc rễ. Nhận thức sai lầm của rất nhiều gia đình Nam Á bắt nguồn từ những hiểu biết sai lầm trong cộng đồng họ sinh sống".
Nếu một bệnh nhân ung thư có tiên lượng xấu, nhiều người tự cho rằng những bệnh nhân ung thư khác rồi cũng sẽ đi theo con đường tương tự, mà không cân nhắc thông tin chính xác, đầy đủ về các hướng điều trị, tiên lượng sống.
Giáo sư Salma Hashmi, làm việc tại Macmillan Cancer Support, Manchester, cho hay một số người đến từ cộng đồng BAME (gồm người da đen, châu Á và các dân tộc thiểu số), đặc biệt người Nam Á có hiểu biết tương đối tốt về tiểu đường, đột quỵ, các bệnh về tim, nhưng với bệnh ung thư lại không được như vậy.
Theo cô, vẫn còn nhiều hiểu biết sai lệch, rằng ung thư là bản án tử hình, đồng thời cảm giác xấu hổ có thể khiến nhiều người gặp khó khăn khi chia sẻ về căn bệnh của mình. Dù các bệnh nhân có nói với gia đình về căn bệnh hay không, họ cần được hỗ trợ về mặt tinh thần, y tế.
Lê Hằng (Theo Huff Post UK)