Anh khám tại khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tình trạng bất thường xảy ra sau hai ngày quan hệ không dùng bao cao su. Ban đầu, anh chỉ đi tiểu buốt, sau đó đau rát, nhiều dịch mủ từ niệu đạo chảy ra, trắng đục.
Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân viêm niệu đạo, chảy mủ niệu đạo, dịch niệu đạo phát hiện có vi khuẩn lậu. Người bệnh uống thuốc kháng sinh liều cao để điều trị bệnh lậu, đồng thời kiêng quan hệ tình dục trong thời gian này, tránh lây nhiễm cho người khác.
Ngày 26/6, PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do lối sống, quan hệ tình dục thiếu an toàn ngày càng tăng. Riêng bệnh lậu, mỗi năm thế giới ghi nhận trên 80 triệu ca mắc mới, trong đó tỷ lệ mắc là 0,7% ở nam giới và 0,9% ở nữ giới.
Bệnh lậu tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae, thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, do quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến với nam nữ trong độ tuổi sinh sản.
Biểu hiện của bệnh lậu trong thời gian đầu không rõ ràng nên rất khó nhận biết. Sau vài ngày, người bệnh mới phát hiệu triệu chứng bất thường như dương vật bị chảy mủ, ngứa hậu môn và chảy máu, một số người bị tiêu chảy và đau khi đi vệ sinh. Khi nhiễm trùng lan sang các khu vực xung quanh như bìu và tinh hoàn, nam giới nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn, dẫn đến vô sinh.
Phụ nữ mắc bệnh lậu hầu như không có triệu chứng cụ thể nên thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa thông thường. Ở giai đoạn nặng, bệnh xuất hiện các triệu chứng như tiểu đau buốt, có mủ màu xanh, vàng chảy ra từ niệu đạo, cổ tử cung, vùng kín có mùi hôi tanh bất thường.
Trường hợp đau buốt, chảy dịch, chảy mủ niệu đạo sau quan hệ tình dục không an toàn cần khám và điều trị sớm. Bác sĩ khuyến cáo bệnh có khả năng lây lan rất sớm ngay từ khi ủ bệnh chưa có triệu chứng. Mọi người nên nâng cao ý thức chung thủy với một bạn tình và quan hệ tình dục an toàn.
Thùy An