"Anh hứa sẽ luôn yêu thương em, khi giàu có cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như lúc khỏe mạnh...", Ngô Minh Vương đã hứa với vợ trong đám cưới của họ, tám năm trước.
Năm 2017, vợ anh, chị Nguyễn Ngô Hiệp Phố (36 tuổi) bỗng đau nhức dữ dội ở chân. Sau một tuần nằm viện, cô liệt toàn thân và được chẩn đoán mắc Sensory gangslionopathy, một loại bệnh lý hạch thần kinh cực hiếm gặp, cả thế giới mới ghi nhận bốn ca. Suốt bốn tháng sau đó, Hiệp Phố phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Những cơn đau dày vò thể xác 24/24h khiến mọi hoạt động của cô, dù là đơn giản nhất như tự đi vệ sinh, ngồi dậy ăn cơm cũng trở nên khó khăn.
Vương đang phục vụ trong hải quân phải xin nghỉ hai năm ở nhà chăm sóc vợ. Lúc này, con gái họ mới tròn 4 tháng tuổi.
Làm gì cũng phụ thuộc, lại không còn khả năng "vợ chồng", Phố nhiều lúc mệt mỏi khuyên Vương đi lấy vợ khác. Trong máy tính, cô cũng thảo sẵn một lá đơn ly hôn, chỉ đợi in ra ký. "Nếu anh bỏ đi, tôi sẽ chẳng trách móc", cô chia sẻ.
Bị vợ giục đi lấy người khác, ban đầu Vương chỉ cười. Đến khi thấy Phố nhắc nhiều lần quá, anh mới lắc đầu: "Tại sao có thể như vậy. Sống phải xứng đáng với lương tâm mình".
Vương và Phố quen nhau 17 năm trước, khi cô học năm thứ nhất, chàng trai năm thứ hai, nhà gần nhau tại San Francisco.
Thời đại học, Vương có hai năm thực tập tại khoa cấp cứu bệnh viện, chứng kiến sinh ly tử biệt nhiều, nên không muốn tiếp tục theo nghề y. Sau khi lấy vợ tháng 6/2011, anh quyết định gia nhập hải quân Mỹ. Tuy vậy Vương phải xa nhà, chỉ đoàn tụ dịp cuối tuần. Cứ chiều thứ sáu, anh lại chạy xe 800 km từ nơi đóng quân ở San Diego về San Francisco, chủ nhật quay lại đơn vị.
Xa chồng nên Phố chưa muốn có con. Năm 2013, ba cô mất, tiếp đó là anh trai. Những biến cố liên tục khiến mẹ cô sốc nặng, buồn rầu cả ngày. Chị gái khuyên Phố nên sinh con cho bà đỡ buồn. Năm 2016, bé Lexy ra đời, ngôi nhà của hai vợ chồng rộn rã bởi tiếng con trẻ.
Nhưng thử thách đã ập đến gia đình nhỏ ấy. Từ ngày mắc bệnh lạ, Phố gần như sống thực vật, dù vẫn nhận thức được mọi thứ xung quanh. Trong phòng hàng chục bệnh nhân, chỉ duy nhất Vương là người ở lại chăm sóc vợ. Anh tranh việc của y tá, tự tay tắm giặt, vệ sinh cho cô. Đến bữa cơm, anh đút từng miếng, nựng vợ như con trẻ để cô ăn thêm. Hàng ngày, anh Vương chỉ quanh quẩn bên vợ, mệt quá mới ngồi lên ghế, gục mặt xuống giường ngủ thiếp đi.
"Thương nhất là những lúc Phố nguy kịch, con rể chỉ ngồi bên giường nắm tay vợ khóc, thì thầm mong vợ cố gắng vượt qua để gia đình đoàn tụ", bà Ngô Thị Đẹt, mẹ Phố chia sẻ.
Phố phải nằm viện liên tục. Mỗi tháng cô phải nằm viện ba tuần. Có thời điểm về nhà được 2-3 tiếng lại phải đi cấp cứu vì nôn trớ hay ngất xỉu, cứ liên tục như vậy suốt ba năm. Những lúc tỉnh lại, có hôm quá đau đớn, Phố xin chồng được chết. Nghe vợ nói, Vương chỉ im lặng nắm tay cô, rơi nước mắt. Thấy chồng khóc, Phố quay đi, không nói gì, sợ anh thêm đau lòng. Đến năm 2020, bệnh viện có ca Covid-19 đầu tiên nên bác sỹ khuyên cô về nhà dưỡng bệnh.
Sau hai năm ở nhà, Vương đi làm trở lại. Để có thể vừa đi làm vừa chăm sóc vợ, anh thuê nhà tại San Diego, gần nơi làm. Cả bà Đẹt cũng chuyển đến hỗ trợ vợ chồng con gái chăm sóc cháu nhỏ. Dù có mẹ vợ nhưng hàng ngày Vương vẫn tắm rửa vệ sinh cho vợ, giúp vật lý trị liệu, dìu cô tập đi hay cầm nắm đồ vật. Với sự kiên nhẫn của chồng, Phố có thể cầm muỗng ăn cơm, tự ngồi dậy không cần người dìu nhưng vẫn chưa thể đi lại.
Bệnh tật triền miên khiến người mẹ không thể ở cạnh con gái, chứng kiến con lớn lên từng ngày. Mỗi khi Phố xuất viện về nhà, bé Lexy tưởng người lạ, quấy khóc, thậm chí xua tay khi cô đến gần. Phải nằm lỳ trong phòng, Phố thấy cô đơn, muốn viết nhật ký trải lòng nhưng chẳng thể cầm nổi bút.
Lúc này Vương gợi ý vợ làm YouTube. "Từ ngày quay video, được bạn bè, người thân, kể cả người xa lạ vào hỏi thăm, tinh thần tôi tốt hẳn lên", Phố nói. Dù mỗi lần quay được hai phút là mệt, 4-5 ngày mới hoàn thành một video, nhưng đến nay cô có hàng chục video về cuộc sống thường nhật. "Có việc để làm, tôi thấy mình cũng là người có ích", cô trải lòng.
Gần đây, Vương tìm được một bác sỹ trị liệu mới cho vợ. Để cổ vũ cô tập luyện, anh thường kể về những khoảnh khắc đẹp của hai vợ chồng trong quá khứ, khi Phố vẫn khỏe mạnh. "Anh sẽ cùng em cố gắng. Chắc chắn em sẽ trở lại như xưa", ngày nào người chồng cũng nói câu này.
"Anh luôn cho tôi niềm tin để sống. Nhờ anh tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc". Phố nói và tin là có Vương ở bên, rồi đến ngày cô sẽ đứng lên được bằng đôi chân mình.
"Việc đầu tiên tôi làm là sẽ đến bên anh, để được anh ôm vào lòng", cô nói.
Hải Hiền