"Chiều 26 Tết, tôi mặc áo dài lên đỉnh đồi Gianicolo, điểm duy nhất có thể ngắm ngàn mái nhà, nhà thờ, Đấu trường La Mã Colosseo, trải dài khắp thành Rome, thủ đô của Italy. Chiếc áo dài hoa văn chăn con công bay nhẹ trong ánh nắng rụt rè, thu hút ánh nhìn khách lại qua", chị Huyền Maasai cho biết trong thư gửi VnExpress.
Người Italy không biết về áo dài, nhưng vẻ đẹp của nó khiến họ tiến lại hỏi han chị từ đâu tới. Họ khen chiếc áo dài, gật gù khi nghe chị giải thích Tết của Việt Nam là riêng biệt và không nên gọi cùng tên Tết Trung Quốc.
Một nhà báo thậm chí xin chụp ảnh chị trong tà áo dài giữa phong cảnh kỳ vĩ của Rome. Tấm ảnh đó hôm sau được đăng lên mạng xã hội của một khách sạn lớn ở đây.
Trong những ngày cuối năm âm lịch như này, người Việt dù đang ở nơi nào trên thế giới đều hướng về Tết cổ truyền của dân tộc, với những hình ảnh thân thuộc như hoa đào, hoa mai hay chậu quất vàng. Chị tìm mua đào thật và tự tay làm thêm cành đào từ cành cây và hoa lụa để trang trí cho ngôi nhà của mình.
"Tết của người Việt sẽ không thể đủ đầy nếu thiếu đi những món ăn truyền thống, như bánh trưng hay nem rán. Tôi và những người bạn đã cùng nhau chuẩn bị mấy món ăn đón Tết, nhưng đảm bảo quy định không tụ tập quá bốn người để phòng ngừa đại dịch của chính quyền Rome", Huyền Maasai nói.
Trong căn nhà thuê nằm ở góc phố cổ Trastevere, bên bờ sông Tevere, anh chồng người Thụy Sĩ cao lớn giúp vợ Việt gói bánh chưng. Anh yêu mọi món ăn Việt Nam và háo hức chờ đón Tết giống như bất kỳ người Việt nào. Và năm nay, chị cũng đón giao thừa cùng với những người bạn này.
Rome giờ duy trì cảnh báo vàng vì Covid-19, mức ít nguy hiểm, nên mọi người vẫn được phép đi nhà hàng vào buổi trưa và tụ tập bạn bè nhưng với số lượng hạn chế. Sau một năm sống chung với Covid-19, mọi người đã quen với việc tuân thủ các quy định giãn cách và luôn giữ tinh thần lạc quan "tất cả rồi sẽ ổn thôi".
Đặc biệt, khi vaccine Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng, họ cũng cảm thấy vui vẻ và vững lòng đón chào mùa xuân tới.
Chị cho biết một năm dài và khắc khoải với nhiều thăng trầm vì Covid-19 đã qua, chị lại được đón Tết cổ truyền với tinh thần tươi sáng, nhờ những bài học được rút ra trong năm qua.
"Mọi việc sẽ ổn thôi, nếu chúng ta biết lạc quan và tuân thủ mọi quy định xã hội, cùng làm vàng trong lửa, đẩy lùi sự thử thách to lớn này của loài người. Với tinh thần này, tôi tin rằng mọi giá trị của người Việt vẫn sẽ mãi được gìn giữ, như phong tục đón Tết cổ truyền, dù chúng ta ở góc nào trên địa cầu", chị nói.
Huyền Maasai