Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị được chẩn đoán nhau tiền đạo và mạch máu tiền đạo kèm theo dây rốn bám màng. Trong đó, nhau tiền đạo là hiện tượng nhau bám ở đoạn dưới tử cung, gây chảy máu khiến mẹ bị thiếu máu và thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai. Nhau tiền đạo có thể đe dọa đến tính mạng cả mẹ và bé.
Còn mạch máu tiền đạo là hiện tượng các mạch máu cuống rốn của thai nhi chạy ngang qua hoặc nằm gần với lỗ mở của cổ tử cung. Vị trí này khiến cho các mạch máu rất dễ bị vỡ, khiến thai nhi mất lượng máu lớn. Nếu có quá nhiều máu chảy ra, thai nhi có thể tử vong, mẹ cũng gặp nguy hiểm tính mạng.
Dây rốn bám màng xảy ra khi dây rốn không bám ở trung tâm bánh nhau mà bám ra rìa. Khi chuyển dạ hoặc vỡ ối, sản phụ có nguy cơ cao đứt mạch máu không nằm trong bánh nhau, gây suy thai cấp.
Bên cạnh đó, sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ. Bệnh lý này thường gặp, có thể gây tai biến nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi gồm sinh non, đa ối, sảy thai, thai lưu, suy hô hấp sau sinh, dị tật thai nhi...
Vì vậy, bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập khoa Sản bệnh A4 để điều trị, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và theo dõi sát từng biểu hiện. Thai nhi được giữ tới tuần 36 sau đó sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Chiều 25/2, bé gái khỏe mạnh nặng 2,3 kg chào đời, ấp da kề da với mẹ ngay sau sinh. Hiện, hai mẹ con đều có sức khỏe ổn định, tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyến cáo thai phụ nên theo dõi thai định kỳ ở các cơ sở sản khoa uy tín nhằm phát hiện sớm hiện tượng bất thường của thai nhi. Nếu thai nhi mắc bệnh lý nặng, thai phụ cần được bác sĩ theo dõi, quản lý thai và chủ động phẫu thuật để cứu em bé kịp thời.
Chi Lê