Là một giáo viên trung học, Joyner nhận thức rõ về cách thức virus lây lan cũng như các phương pháp phòng tránh. Vì vậy, trước khi các trường học phải đóng cửa do đại dịch, bà thường dành 10 phút mỗi cuối tiết để giáo dục học sinh về sự nguy hiểm của Covid-19.
"Tôi cố hết sức để các em hiểu rằng những biện pháp an toàn đang thực hiện là điều đúng đắn", bà nói.
Dù rất cẩn thận, bà vẫn mắc bệnh vào đầu tháng 4/2020. Covid-19 kéo đến bằng cơn tức ngực cực độ, kéo dài vài ngày. Sau đó, các triệu chứng khác như ho khan, sốt, mất vị giác và khứu giác lần lượt xuất hiện. Vài tuần tiếp theo, bà bị đau khớp, da bầm tím (không chảy máu), mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, mất ngủ, đổ mồ hôi đêm, khát nước, sương mù não, tim đập nhanh và đau hạch bạch huyết.
"Hạch của tôi sưng tấy, có cảm giác như sắp nổ tung. Kỳ kinh nguyệt của tôi kéo dài tới hai tuần liên tục, đó là loại sản dịch sau sinh", bà nói.
Joyner và bác sĩ của bà đếm được 23 triệu chứng xảy ra cùng lúc. "Tôi đã trải qua nhiều tuần như vậy, sợ rằng mình không thể thức dậy", bà nói.
4 tháng sau khi khỏi bệnh, Joyner tiếp tục gặp các triệu chứng dai dẳng, nhưng ít phổ biến hơn. Bà đã mất gần 50% dung tích phổi khi nhiễm virus. Nhịp tim khi nghỉ ngơi vẫn cao hơn bình thường, hiếm khi xuống dưới 80.
Joyner thừa nhận virus có những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tâm thần. Bà lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể nhiễm bệnh lần nữa, khi cơ thể đang suy nhược.
"Tôi hiếm khi ra ngoài, rất sợ bị ốm lại. Đây không phải là tôi, tôi chưa từng cảm thấy lo lắng như vậy. Trước đó, tôi đã rất cẩn thận nhưng vẫn mắc bệnh. Có cảm giác như virus sẽ lại tìm đến tôi lần nữa", bà nói.
Đến tháng 3/2022, hai năm sau khi mắc bệnh, cuộc chiến với hậu Covid của Joyner chưa kết thúc. "Tôi thực sự tự hỏi liệu tình trạng này có đi cùng tôi đến hết cuộc đời không", bà nói.
Joyner cho biết bà tiếp tục chịu đựng nhiều vấn đề sức khỏe do Covid-19 để lại như suy yếu miễn dịch, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Triệu chứng này cũng được ghi nhận ở nhiều người từng nhiễm virus.
Nhiều vấn đề kéo dài từ khi mắc bệnh đến nay, như bệnh về dây thần kinh ở tay, giấc ngủ gián đoạn, nhiệt độ cơ thể không ổn định và nhạy cảm với ánh sáng. Đường tiêu hóa của bà cũng có nhiều thay đổi. Joyner không còn ăn được sữa chua, đường tinh luyện hoặc gluten nữa. Thể lực của bà cũng yếu hơn nhiều, phải sử dụng ống hít trước khi chạy bộ.
"Tôi thương tiếc bản thân mình trước Covid-19. Tôi phải chấp nhận sự thật rằng mình không bao giờ khỏe được như vậy nữa. Nhưng điều này không có nghĩa tôi sẽ ngừng cố gắng. Tôi phải tiếp tục nỗ lực hết mình", bà nói.
Joyner cho biết bà "linh cảm" rất nhiều triệu chứng Covid-19 sẽ kéo dài đến suốt phần đời còn lại. Nhưng bà vẫn lạc quan vì đã đạt được nhiều mục đích khác trong cuộc sống, như coi trọng sức khỏe của mình hơn.
Những vấn đề sức khỏe xảy ra sau Covid-19 đến nay vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là hiện tượng khoa học chưa thể lý giải. Thông thường, người bệnh khỏi Covid-19 sau hai đến 6 tuần. Một số người, virus gây triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi đã âm tính. Người không nhập viện hoặc bị bệnh nhẹ cũng có thể gặp triệu chứng dai dẳng, một số phát triển biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
WHO ghi nhận hơn 200 triệu chứng sau Covid đã được báo cáo. Trong đó, ba triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Các vấn đề này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể khởi phát sau khi hồi phục hoặc kéo dài từ đợt nhiễm bệnh cấp tính, thay đổi và tái phát theo thời gian.
Thục Linh (Theo Huff Post)