Đầu tháng 9, Ma Văn Kháng ra mắt tiểu thuyết Chim én liệng trời cao. Trước đó, cuối năm 2015, nhà văn trình làng tác phẩm Người thợ mộc và tấm ván thiên, được ông viết trong khoảng ba năm từ 2012 tới 2014. Những chứng bệnh tuổi già nhiều lúc khiến ông mệt mỏi nhưng Ma Văn Kháng vẫn miệt mài lao động trên những con chữ.
Cho rằng may rủi là lẽ tất nhiên của cuộc đời, nhà văn không bao giờ kêu ca hay than oán. Ông chọn lối sống giản dị, yên bình bên người bạn đời trong một ngôi nhà nhỏ tại Hà Nội, khuất sau vẻ sầm uất phố thị.
- Nhịp sống hàng ngày của ông diễn ra như thế nào?
- Sau ca phẫu thuật tim năm 2016, tôi may mắn vì có thể ngủ được, giờ giấc sinh hoạt không bị xáo trộn nhiều. Gia đình con trai dọn ra ở riêng nên hiện giờ chỉ có vợ chồng tôi sống trong căn nhà này. 6 giờ sáng, tôi dậy tập thể dục, đi bộ quanh hồ và uống thuốc. Buổi chiều, tôi đón cháu nội từ trường mẫu giáo về nhà. Đến tối, ăn cơm xong thì cùng vợ xem tivi và đi ngủ lúc 23h30.
Chỉ có hai vợ chồng nên đôi khi cũng cảm thấy buồn. Bạn văn chương ở tầm tuổi tôi chẳng còn mấy ai. Sức khỏe lại không cho phép ra ngoài đi lại nhiều nên tôi làm bạn với những con vật nuôi trong gia đình. Chúng cũng chính là nguồn cảm hứng để tôi viết Chó Bi, đời lưu lạc và Mèo con nghịch ngợm.
- Hai ông bà chăm sóc nhau như thế nào?
- Vợ tôi năm nay cũng gần 80 tuổi. Cả cuộc đời, tôi luôn quý trọng bà ấy vì sự hiền thục, mẫu mực, thương yêu chồng con và nhất là đồng điệu trong quan điểm sống. Vợ chăm tôi qua mỗi bữa ăn hàng ngày. Chúng tôi hay chuyện trò và bàn luận cuộc sống qua các phim truyền hình.
- Ở tuổi ngoài 80, công việc viết lách của ông diễn ra như thế nào?
- Tôi không có thời gian biểu cụ thể cho công việc của mình. Có hôm viết được một, hai tiếng thì dừng. Nhiều lúc thể trạng mệt mỏi thì không được chữ nào. Có lần cảm hứng về thì viết một mạch hết cả buổi sáng, trưa ăn xong lại ngồi viết tiếp đến chiều. Tôi sử dụng máy tính để gõ bản thảo tác phẩm. Tôi nhận thấy ở tuổi của mình, bạn bè ít ai còn có thể ngồi vào bàn làm việc, gõ máy đến tận đêm khuya. Khi bắt đầu viết thì hào hứng, mê man và thăng hoa. Viết xong rã rời đến mức không thể nói chuyện được với ai. Ở tuổi này, tôi vẫn giữ thói quen ghi chép thời trẻ đồng thời luyện trí nhớ. Tôi nhớ rất kém nên thường phải giở lại những trang sổ tay để có chất liệu tái hiện cho tác phẩm. Nhiều người bạn hưu trí ngạc nhiên khi tôi vẫn có thể minh mẫn sáng tác. Tôi lấy văn chương làm niềm vui lớn trong cuộc đời và muốn viết tốt thì tinh thần phải thoải mái, luôn lạc quan.
- Mối liên hệ giữa các tác phẩm và cuộc đời ông ra sao?
- Mỗi tác phẩm tôi viết ra đều ứng với một phần cuộc đời tôi. Cơn mưa mùa hạ viết về thời kỳ đổi mới, Mùa đông trong vườn là những câu chuyện thời hậu chiến xảy ra ở gia đình. Tác phẩm tôi để tâm lực vào nhiều nhất đó là Một mình một ngựa gắn với quãng thời gian tôi làm thư ký cho tỉnh ủy Lào Cai, Đồng bạc trắng hoa xòe hay Chim én liệng trời cao là cuộc đời 25 năm gắn bó với mảnh đất, con người Tây Bắc. Lưu bút cuộc đời chất chứa giá trị gia đình, tập hợp những kỷ niệm về người mẹ của tôi.
- Quan điểm và phong cách sáng tác của ông so với thời trẻ thay đổi như thế nào?
- Quan điểm sáng tác của tôi không khác nhiều so với hồi trẻ. Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước. Tôi giữ cho mình phong cách tự sự trữ tình, coi trọng tính hiện thực của đời sống và xen lẫn vào đó triết lý nhân văn. Các tác phẩm của tôi dẫu hoài cổ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại. Bởi tôi nghĩ nhà văn không đứng yên mà phải chuyển động. Ở tuổi này, tôi luôn cập nhật tin tức đời sống đương thời để không có khoảng cách quá xa với thế hệ con cháu.
- Gần đây, ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao” có độ dài 400 trang. Đâu là cảm hứng để ông có được đứa con tinh thần này?
- Tôi đã giảm cường độ viết lách từ năm 70 tuổi. Năm ngoái, trong thời gian phục hồi sức khỏe sau ca phẫu thuật, ở tôi có điều gì đó thôi thúc từ bên trong về những kỷ niệm còn lại của một vùng đất 25 năm gắn bó. Sẵn tư liệu phong phú, lại có ít người viết về đề tài cuộc kháng chiến chống Pháp vùng Tây Bắc nên tôi quyết định viết Chim én liệng trời cao. Tác phẩm được viết trong 5 tháng. Khi thể trạng mệt mỏi, tôi dừng viết. Khi khỏe thì cố gắng trẻ lại, sống với thời kỳ hăm hở.
- Trong "Chim én liệng trời cao”, ông đã làm mới chất liệu thực tế về cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Tây Bắc như thế nào để bạn đọc ngày nay dễ tiếp nhận?
- Sách là khúc tráng ca nơi núi rừng Tây Bắc. Ở đó vừa hào hùng, vừa lãng mạn nên thơ, có gian khổ và tình người sâu đậm. Tác phẩm xoay quanh cuộc chiến đấu và trưởng thành của nhân vật Tiển. Đây là cậu bé sống ở bản Cam Đồng, nơi đã hun đúc nỗi nhớ trong tôi về đoạn đời sinh sống trên Lào Cai. Tiển sớm gia nhập vào hàng ngũ những người làm cách mạng, trở thành chiến sĩ liên lạc. Cậu bé giống như những con chim én khao khát được tung cánh trên bầu trời tự do, bất chấp sự kìm kẹp của bè lũ tay sai. Điểm mới của tác phẩm nằm ở chỗ không đặc tả vấn đề bi thương mà đi vào không gian sinh hoạt thường ngày của đồng bào miền sơn cước.
- Ông dành lời khuyên nào đến các cây bút trẻ đang bước vào con đường văn chương?
- Tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng cuộc đời còn gian nan, nghề văn cần phải kiên trì và nhẫn nại. Văn chương đến ngẫu nhiên từ cảm xúc con người. Trước nhiều biến động của xã hội, các bạn trẻ không được bi quan mà phải học cách thích nghi và tạo cho mình nhiều trải nghiệm. Như vậy, mỗi trang viết sẽ dần trưởng thành và giàu cảm xúc.
- Ông có dự định gì cho những tác phẩm sắp tới?
- Để viết một cái gì đó “ra trò” đòi hỏi sức khỏe và tâm lực không ít vào đấy. Sau Chim én liệng trời cao, tôi muốn nghỉ ngơi và không còn dự định nào cho nghiệp viết. Tôi nghĩ thế hệ ngày nay hiếm ai tìm đọc những trang sách viết về lịch sử. Tôi dừng lại và mong muốn các nhà văn trẻ mau trưởng thành để bắt kịp nhịp sống thời đại. Họ cần có đối tượng và phong cách riêng để vươn tới những giá trị mới.
Nhà văn Ma Văn Kháng, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Ông hòa mình vào dòng chảy văn chương Việt Nam hiện đại từ nửa sau thế kỷ 20 và trở thành một trong những cây bút tiêu biểu. Lên miền núi từ năm 18 tuổi, 25 năm sống ở vùng cao đã cho nhà văn nhiều trải nghiệm và chất liệu để sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn. Cảm hứng sử thi và thế sự đời tư xuất hiện chủ yếu trong văn chương của Ma Văn Kháng. Năm 2012, ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm Tuyển tập truyện ngắn, cùng ba tiểu thuyết: Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pán Tẩn. |
Trọng Trường