Thanh toán bằng mã QR được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nền tảng bán hàng đa kênh đã được phát triển và trở thành hình thức phổ biến trên thế giới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng công nghệ, sự phát triển của thương mại điện tử để tối ưu hóa mô hình kinh doanh của mình.
Tính năng QR trên ứng dụng điện thoại cho phép người dùng sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thực hiện nhanh một số giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng. Chỉ cần một lần quét trong vài giây là có thể thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi... mà không cần mang theo ví, không lo vấn đề tiền lẻ, không cần mang theo nhiều thẻ, không lo lộ thông tin thẻ tại các điểm thanh toán.
Ấn Độ là nước ở khu vực châu Á đang đi tiên phong khi Chính phủ tài trợ dự án có tên gọi IndiaQR, trong nỗ lực thực hiện tham vọng không dùng tiền mặt. Người dân có thể đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại.
Startup công nghệ có trị giá lớn thứ nhì Ấn Độ, khoảng 8 tỷ USD, với hơn 220 triệu người dùng. Hay như tại Trung Quốc, nhiều đơn vị bán hàng nhận thanh toán bằng mã QR Code. Theo ước tính, bình quân mỗi ngày một người Trung Quốc tương tác với khoảng 10-15 mã QR.
Thông qua thanh toán từ di động, người dân Hàn Quốc có thể đi xe bus mà không cần tiền mặt. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã lên kế hoạch xây dựng “xã hội phi tiền mặt” vào năm 2020.
Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi người dân sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền và có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại. Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần kích thích bán hàng đa kênh phát triển.
Tại Việt Nam, ứng dụng thanh toán bằng mã QR đã được nhiều ngân hàng áp dụng. Tính năng QR Pay hiện được tích hợp trên ứng dụng Mobile Banking của một số ngân hàng với khoảng 5 triệu người dùng.
Với ưu điểm thanh toán nhanh, tiện lợi trên di động thông qua ứng dụng Mobile Banking, người dùng có thể mua hàng từ bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải tới cửa hàng trực tiếp.
Nhà bán lẻ không cần phải mở cửa hàng tại tất cả tỉnh thành mà chỉ cần một nền tảng công nghệ chấp nhận thanh toán bằng mã QR là có thể phủ sóng khắp mọi miền đất nước và “có mặt” mọi lúc, mọi nơi để tiếp cận khách hàng.
Thanh toán bằng QR code đặc biệt hữu ích với doanh nghiệp bán lẻ, từ các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng ăn uống, các shop thời trang... đến các đơn vị kinh doanh trực tuyến trên website, Facebook.
Doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của hình thức thanh toán này để bán hàng bằng nhiều phương thức khác nhau như: online trên website, mạng xã hội hay bằng tờ rơi, catalogue, quảng cáo trên báo, biển bảng ở khu vực công cộng nhà chờ xe bus, nhà ga, sân bay, bến tàu… Mọi kênh quảng cáo của doanh nghiệp đều có thể biến thành kênh bán hàng hiệu quả.
Việc tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng ở mọi lúc mọi nơi, giúp doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng. Riêng đối với các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ không đủ chi phí thuê mặt bằng làm cửa hàng, đây là một giải pháp tiếp cận khách hàng và tăng doanh thu hiệu quả với chi phí thấp.
Theo Nielsen, cuộc đua của các nhà bán lẻ lúc này không chỉ là một cửa hàng vật lý mở ra và chờ đợi khách hàng tiện chân ghé vào, mà là cuộc đua liên tục của quá trình phân tích hành vi mua sắm, dự đoán được món hàng khách hàng quan tâm và tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho khách hàng mua hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần cập nhật những giải pháp, phần mềm của điện thoại thông minh cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Nắm bắt được xu hướng, VNPAY là cổng thanh toán tại Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực này, cung cấp giải pháp thanh toán bằng mã QR. Hiện đơn vị hợp tác với nhiều ngân hàng và các đơn vị kinh doanh để công cụ thanh toán mới này được sử dụng rộng rãi hơn trong đời sống tiêu dùng.
Đại diện VNPAY cho biết, công nghệ này tận dụng tối đa hạ tầng viễn thông, ngân hàng sẵn có và ưu thế của thiết bị di động cá nhân nhằm mang lại một phương thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi cho cả người bán và người mua, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại bán lẻ phát triển.
Mai Thương
Mã QR (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản, và hiện là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở quốc gia này. |