Ngày 12/3, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành lý giải đề xuất do những năm qua địa phương có nhiều biện pháp ngăn việc chở tỏi nơi khác theo tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn sau đó trà trộn, làm giả tỏi Lý Sơn. Song, nhiều thương lái vẫn dùng tàu cá, tàu chở vật liệu xây dựng... đưa tỏi ra đảo.
![Người dân chở tỏi nơi khác về đảo Lý Sơn bằng tàu cá. Ảnh: Thạch Thảo.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/12/Cho-toi-noi-khac-ve-dao-Ly-Son-1363-8315-1615544915.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yu38UU8l3iRIUd6iJSYcJA)
Người dân chở tỏi nơi khác về đảo Lý Sơn bằng tàu cá. Ảnh: Thạch Thảo.
Do đó, huyện đề nghị VNPT chỉ đạo bưu điện tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi từ chối tiếp nhận chở tỏi về đảo này. Thương hiệu tỏi Ninh Hiển của Khánh Hòa nằm trong số tỏi được chuyển ra đảo nhiều nhất. "Đề nghị xuất phát từ những khó khăn của địa phương trong việc bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn", ông Thành lý giải khi có ý kiến tỏi là mặt hàng thông thường nên đề nghị "không vận chuyển" liệu đã đúng quy định.
Trả lời VnExpress, một lãnh đạo VNPT Quảng Ngãi cho biết văn bản của huyện Lý Sơn đề nghị VNPT không chở tỏi có sự nhầm lẫn về địa chỉ gửi. Bởi VNPT không có chức năng vận chuyển hay chỉ đạo bưu điện mà thay vào đó là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Đề xuất không chở tỏi qua đường bưu điện cũng không đúng pháp luật bởi đây là mặt hàng thông dụng.
Lý Sơn được mệnh danh là "vương quốc tỏi" với diện tích khoảng 300 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô. Với điều kiện thổ nhưỡng là đất núi lửa và cát san hô, tỏi trồng ở Lý Sơn có hương vị đặc biệt, quý nhất là tỏi cô đơn (tỏi một tép). Giá tỏi Lý Sơn cao hơn nhiều so với tỏi thông thường, có thời điểm gấp 2-3 lần. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu tỏi ở huyện đảo này.
Phạm Linh